Từ đầu năm 2010 đến nay, liên tục các đợt nắng nóng kéo dài xảy ra đã làm cho các khu vực rừng ở tỉnh ta phải đối mặt với nguy cơ cháy rất cao. Theo Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh, số vụ cháy rừng trong 7 tháng đầu năm đã tăng khá cao so với mức trung bình nhiều năm, gây thiệt hại nghiêm trọng nhiều diện tích rừng phòng hộ và rừng trồng trên địa bàn tỉnh…
* Xảy ra nhiều vụ cháy rừng
Trong 7 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 90 ha rừng, giá trị hàng tỉ đồng. Hầu hết diện tích rừng bị cháy là rừng trồng của các công ty lâm nghiệp, gồm rừng keo, thông, bạch đàn, phi lao… có giá trị kinh tế khá cao. Các địa phương thường xảy ra cháy rừng là huyện Hoài Nhơn, Tây Sơn, An Lão, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn…
|
Vụ cháy rừng tại KV. 1, P. Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn ngày 6.7.2010, làm thiệt hại 5 ha rừng. Ảnh: Ngọc Diên |
Ông Võ Cao Sơn, Trạm trưởng Trạm KL Ân Tường (Hoài Ân), cho biết: Hàng năm cứ đến mùa hanh khô, nguy cơ cháy rừng tại khu vực rừng trồng của các doanh nghiệp ở các xã Đắk Mang, Bók Tới, Ân Nghĩa, Ân Tín… là khá cao do các điều kiện về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) chưa đạt yêu cầu. Nhiều người đi vào rừng đốt vàng mã để thờ cúng, mồi lửa đốt ong, đốt rẫy... Mới đây nhất, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại khoảnh 1 và 4 thuộc tiểu khu 85 thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Tín làm thiệt hại 3,51 ha rừng thuộc dự án KfW6.
Còn tại TP Quy Nhơn, vụ cháy rừng xảy ra gần đây nhất là vào sáng 6.7, tại khoảnh rừng thuộc khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn. Ngọn lửa được xuất phát từ đám thực bì của một hộ trồng rừng, khoảng 10 phút sau, đám lửa đã lan nhanh gây cháy lớn cho cả khu vực. Mặc dù các ngành chức năng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp PCCCR, tuy nhiên, phải đến cuối giờ chiều cùng ngày, lực lượng chữa cháy mới cơ bản dập tắt được đám cháy hoàn toàn. Ước tính diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 5 ha.
Theo khảo sát của chúng tôi, hàng ngày, tại các khu vực rừng có nhiều người ra vào rừng tự do để chăn thả bò, dê, săn bắn chim thú, lấy củi, đốt tổ ong… nhưng không thấy có lực lượng nào lưu ý, nhắc nhở PCCCR. Một số khu rừng nguyên liệu giấy rất gần với khu vực đông dân cư nhưng không chú trọng xây dựng đường băng cản lửa.
* Cần được quan tâm hơn
Hiện nay, mùa khô ở tỉnh ta vẫn còn tiếp diễn và theo dự báo nắng nóng vẫn còn kéo dài đến cuối tháng 8 nên nguy cơ cháy rừng rất dễ xảy ra. Việc tổ chức tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, PCCCR cần được ngành KL và các tổ chức, hội, đoàn thể chú trọng; bởi với các trang thiết bị chữa cháy hiện có còn rất hạn chế về tính năng. Do vậy, biện pháp khả thi nhất hiện nay là xây dựng các phương án cảnh báo, dự báo cháy rừng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, cho biết: Để chủ động PCCCR, thời gian qua, Ban chỉ huy PCCCR của tỉnh đã được củng cố, kiện toàn, và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban phụ trách địa bàn từng huyện, từng xã; đồng thời, các địa phương, các cấp, các ngành có liên quan cũng hoàn chỉnh các phương án PCCCR. Chi cục KL cũng đã yêu cầu các Hạt KL, các chủ rừng xây dựng, củng cố các tổ đội bảo vệ rừng, đội PCCCR thường xuyên tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR; vận động người dân ở các địa phương có rừng quan tâm hơn đến công tác này.
PCCCR là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý - bảo vệ rừng. Để công tác này hiệu quả, thiết thực, thiết nghĩ, cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành chức năng và người dân thì hiệu quả mang lại mới cao.
|