Trên địa bàn huyện Tuy Phước, mô hình quản lý và kinh doanh lưới điện nông thôn đang tồn tại ở hai hình thức. Thứ nhất là người dân trực tiếp mua điện từ ngành điện. Thứ hai là người dân mua qua trung gian là các HTXNN có kinh doanh dịch vụ điện năng hoặc tư nhân. Thậm chí, ở một số địa phương điện còn được bán qua các tổ điện, cai thầu… nên khi đến tay người dân, giá bán lẻ điện đã vượt nhiều lần so với mức giá trần quy định của Chính phủ.
|
Một cột điện bằng gỗ do HTXNN quản lý với chi chít dây và đồng hồ điện rất dễ gây ra tai nạn điện. |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 232/TB-VPCP ngày 31.7.2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải hoàn thành việc tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn trong năm 2010. EVN đã tích cực chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, song đến nay công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, gây chậm tiến độ tiếp nhận do sự thiếu hợp tác của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn.
Ông Phạm Ngọc Ánh - Giám đốc Chi nhánh điện huyện Tuy Phước, cho biết: “Đến nay, một số tổ chức kinh doanh điện nông thôn trên địa bàn huyện không đủ điều kiện vẫn tiếp tục kinh doanh, nhằm cố ý dây dưa thời gian để hưởng lợi riêng. Hiện trên địa bàn huyện vẫn còn 4 HTXNN chưa thực hiện việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn về cho ngành điện quản lý”.
Được biết, khi ngành điện quản lý lưới điện nông thôn thì địa phương và người tiêu dùng không phải trả bất kỳ một khoản phụ phí nào cho việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp lưới điện, người nông dân được mua điện theo đúng biểu giá bán lẻ của Nhà nước mà không phải nộp thêm bất cứ một khoản thu nào. Tuy nhiên, đi đôi với nó là một bài toán khó khăn về nguồn vốn đầu tư lại từ cột, công tơ, đường dây, trạm biến áp và nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực của ngành điện. Trong đó, để củng cố lại lưới điện đảm bảo tiêu chuẩn, tính trung bình một xã phải mất khoảng 2,5 tỉ đồng. Riêng huyện Tuy Phước có 11 xã và 2 thị trấn thì phải chi một khoản tiền khá lớn để hoàn thành mạng lưới điện đúng tiêu chuẩn cho phép. Vì hiện tại hệ thống lưới điện hầu hết được xây dựng cách đây hàng chục năm theo hình thức huy động vốn trong dân và đang xuống cấp nghiêm trọng...
Để hoạt động ngành điện có hiệu quả và đảm bảo an toàn sử dụng điện, những tổ chức không đủ điều kiện kinh doanh điện nông thôn cần có phương án rút lui và khẩn trương bàn giao lại cho ngành điện. Mặt khác, các đơn vị điện lực phải chủ động xây dựng các biện pháp thực hiện chi tiết để kiện toàn lưới điện nông thôn. Chính quyền các cấp, các ngành liên quan cần hỗ trợ, hợp tác với EVN và các tổ chức kinh doanh điện nông thôn tại các địa phương.
|