Do áp dụng sai luật, một quyết định xử phạt hành chính của Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện Phù Mỹ đã bị tòa tuyên hủy và buộc phải ra quyết định xử phạt khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngày 22.5.2008, ông Võ Ngọc Anh (trú tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) vận chuyển hai gốc cây sanh bằng ôtô biển số 76K-6729 trên quốc lộ 1A hướng Nam ra Bắc. Khi đến thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ (Phù Mỹ) xe của ông Anh bị cán bộ HKL Phù Mỹ kiểm tra, phát hiện việc vận chuyển hai gốc sanh không có giấy tờ hợp pháp. Qua đó, HKL Phù Mỹ lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, đồng thời ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện (ôtô tải và hai gốc cây sanh) chờ xử lý.
|
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của HKL Phù Mỹ bị tòa tuyên hủy. |
Theo trình bày của ông Võ Ngọc Anh thì hai gốc cây sanh trên có nguồn gốc do ông mua của ông Lâm Hem một cây, cây còn lại ông Anh mua của ông Nguyễn Quang Ánh tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Sau khi ghi nhận lời khai về nguồn gốc của hai cây sanh từ phía ông Anh, HKL Phù Mỹ tiến hành xác minh thì xác định hai cây sanh trên không có nguồn gốc hợp pháp tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Trên cơ sở đó, ngày 25.6.2008, Hạt trưởng HKL Phù Mỹ đã ra quyết định xử phạt hành chính xử phạt ông Võ Ngọc Anh về hành vi khai thác rừng trái phép, trong đó phạt tiền 9,5 triệu đồng và tịch thu hai gốc cây sanh sung vào công quỹ nhà nước.
Không chấp nhận quyết định xử phạt hành chính của HKL Phù Mỹ, ông Võ Ngọc Anh kiện ra tòa đề nghị hủy quyết định xử phạt đó, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại từ việc tạm giữ ôtô với tổng số tiền 47 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Phù Mỹ đưa ra xét xử, HĐXX nhận định: Quyết định số 35/QĐ-XPHC ngày 25.6.2008 của Hạt trưởng HKL Phù Mỹ đã áp dụng điểm đ, khoản 1, điều 19 Nghị định 159/NĐ-CP để xử phạt, tức là xác định ông Anh có hành vi khai thác rừng sản xuất trái phép. Nhưng tại phiên tòa, đại diện HKL Phù Mỹ không cung cấp được chứng cứ chứng minh hai gốc sanh của ông Anh vận chuyển trái phép do ai khai thác và khai thác ở đâu. Vì vậy, việc xác định ông Anh khai thác rừng sản xuất trái phép là không có cơ sở. Mặt khác, quyết định xử phạt hành chính căn cứ vào hành vi vận chuyển lâm sản trái phép để xử phạt ông Anh về khai thác rừng trái phép là không đảm bảo tính thống nhất về căn cứ pháp lý. Đối với việc yêu cầu bồi thường thiệt hại từ việc tạm giữ ôtô với tổng số tiền 47 triệu đồng, HĐXX nhận định hành vi vận chuyển lâm sản của ông Anh là trái phép, bởi vậy việc tạm giữ phương tiện là đúng quy định. Do vậy, HĐXX bác đơn yêu cầu bồi thường của ông Anh.
Trên cơ sở đó, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Phù Mỹ đã tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 35/QĐ-XPHC ngày 25.6.2008 của Hạt trưởng HKL Phù Mỹ, đồng thời giao cho HKL Phù Mỹ xử lý hành vi vi phạm của ông Anh theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi có bản án sơ thẩm, hai bên nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo về bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, HĐXX TAND tỉnh đã tuyên bác đơn kháng cáo của cả nguyên đơn và bị đơn. Do đó, bản án sơ thẩm của TAND huyện Phù Mỹ đã tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 35/QĐ-XPHC ngày 25.6.2008 của Hạt trưởng HKL Phù Mỹ và bác đơn yêu cầu bồi thường 47 triệu đồng của ông Anh có hiệu lực thi hành ngay.
Vụ án cũng là bài học kinh nghiệm cho việc áp dụng các quy định pháp luật trong việc xử phạt vi phạm hành chính của HKL Phù Mỹ nói riêng và các cơ quan chức năng khác nói chung.
|