Mới chỉ bước vào mùa mưa bão năm nay nhưng trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra ba cái chết đau lòng liên quan đến nước lũ. Trước thực trạng đau lòng trên, những ngày qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường các giải pháp, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống bão lụt để giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là người dân không nên chủ quan trong mùa mưa bão.
Theo báo cáo của các ngành chức năng, tính đến chiều 21.10, đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh đã làm ba người chết, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 20 tỉ đồng. Ngoài ra, mưa lũ đã gây chia cắt nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Tuy Phước và Đông Nam huyện Phù Cát.
|
Người dân cần đề phòng mỗi khi đi qua những nơi bị ngập sâu trong mùa mưa lũ. |
Trở lại với cái chết của ba nạn nhân vào đầu mùa mưa bão vừa qua. Chiều 19.10.2011, trong khi di chuyển tài sản để tránh lũ, anh Lê Văn Quyền (SN 1981, trú ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) đã không cẩn thận trong quá trình đi lại nên bị nước cuốn trôi, đến hôm sau mới tìm được thi thể. Cũng vào ngày này, tại khu vực cầu Ông Chương, thuộc thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, cháu Nguyễn Hồng Thao (8 tuổi) trong lúc xuống cầu rửa chân đã trượt chân ngã và bị nước lũ cuốn trôi. Ngoài ra, do chủ quan, ông Võ Khắc Hùng (62 tuổi, ở thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) cũng bị chết đuối trong đợt mưa lũ vừa qua.
Theo quan sát của chúng tôi, vào mùa lũ lụt, nhiều người, nhất là người dân ở các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn… đã bất chấp nguy hiểm để bơi ra sông tìm cách vớt cho được những khúc gỗ trôi từ thượng nguồn xuống. Bên cạnh đó, một số người dân ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát cũng thường “tận dụng” nước lũ để đánh bắt thủy sản. Ngoài ra, một số người mạo hiểm còn sử dụng đò ngang, sõng để chở người qua những nơi bị ngập sâu, nước chảy xiết vào ban đêm, trong khi các vật dụng cần thiết để đảm bảo an toàn như áo phao… thì lại không hề có.
|
Dù rất nguy hiểm nhưng nhiều người dân vẫn tranh thủ vớt củi, gỗ trong dòng nước lũ. |
Những hiểm họa trong v iệc vớt củi, gỗ trôi trên sông; đánh bắt thủy sản khi nước lũ lên; mạo hiểm đi lại những nơi bị ngập sâu... đã được chính quyền địa phương và ngành chức năng nhiều lần cảnh báo, ngăn chặn. Thế nhưng, nhiều người đã bỏ ngoài tai những cảnh báo đó, chủ quan trước cơn lũ nên phải gánh chịu những hậu quả thương tâm.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, để giảm thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền phòng chống bão lụt đến mọi người dân. Đồng thời, người dân cần nêu cao ý thức tự giác và tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp chính quyền trong việc phòng tránh, đối phó với mưa lũ, nhằm hạn chế thấp nhất mọi thiệt hại do mưa bão gây ra.
Ngày 5.10.2011, đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đã có Thông báo số 138 yêu cầu các cơ quan, đơn vị “Đối phó kịp thời, khẩn trương và có hiệu quả” khi thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quán triệt Chỉ thị số 08/CT-CTUBND của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, tránh thiên tai, lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai năm 2011; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong công tác phòng, tránh bão lũ; xây dựng phương án đối phó cụ thể và phân công cho các lực lượng tại chỗ, bảo đảm chủ động ứng cứu kịp thời khi có lũ, bão xảy ra mà không chờ sự chỉ đạo của cấp trên... | |