|
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đường sắt ở Phù Cát. |
Đèn tín hiệu, chuông báo, gác chắn đặt tại các nút giao nhau giữa đường bộ - đường sắt được sử dụng nhằm mục đích cảnh báo và ngăn chặn người tham gia giao thông khi có tàu lửa đi qua. Dù vậy, nhiều người “nhanh chân” cố tình băng qua đường sắt khi có đèn tín hiệu, chuông báo và gác chắn, để rồi phải “tàn đời” vì gặp tàu lửa.
Có lẽ bất kỳ người tham gia giao thông nào cũng đều biết đèn tín hiệu, chuông báo và gác chắn tại các nút giao nhau giữa đường bộ - đường sắt dùng để cảnh báo và ngăn chặn không cho người tham gia giao thông băng qua đường sắt khi có tàu đến. Biết rõ vậy, nhưng trên thực tế, không ít người chỉ vì muốn “nhanh chân” hơn một chút nên đã bất chấp nguy cơ tai nạn, cố tình phớt lờ đèn tín hiệu, chuông báo và cả sự ngăn cản của nhân viên gác chắn để liều lĩnh vượt qua đường sắt khi tàu lửa đang đến gần. Chính sự “nhanh chân” này của nhiều người tham gia giao thông là nguyên nhân dẫn đến phần lớn vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) đã xảy ra trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua.
Điển hình như vụ TNGTĐS mới đây xảy ra lúc 13 giờ 30 ngày 23.10 tại điểm giao nhau giữa đường dân sinh và đường sắt thuộc thôn Tân Quang, xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) làm hai người chết tại chỗ là chị Lư Thị Ngọc Mai và chị Ngô Thị Thanh Thúy. Vào thời điểm trên, chị Mai điều khiển xe máy chở theo chị Thúy, khi đi qua điểm giao nhau, đã bất chấp đèn tín hiệu và còi tàu, băng qua đường sắt thì bị tàu Thống nhất số hiệu TN1 đang trên đường chạy từ Bắc vào Nam tông vào.
Tương tự vậy, 7 giờ 40 phút ngày 22.7, tại nút giao nhau giữa đường sắt với đường ngang dân sinh thuộc địa bàn thôn Phú Thiện, thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ), anh Nguyễn Thành Nhân (SN 1984, ở huyện Phù Cát) điều khiển mô tô 77S1 0764 chạy theo hướng Tây – Đông, trong lúc băng qua đường sắt, đã bị tàu lửa số hiệu SE1 chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Hà Nội tông vào, khiến anh Nhân bị thương. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do bị vết thương quá nặng nên anh Nhân đã qua đời.
Trên đây chỉ là hai vụ TNGTĐS điển hình trong hàng chục vụ TNGTĐS xảy ra hàng năm ở tỉnh ta mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người tham gia giao thông bất chấp đèn tín hiệu, chuông báo và gác chắn để vượt qua nút giao nhau giữa đường bộ - đường sắt.
Dù TNGTĐS liên tục xảy ra thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã liên tục cảnh báo, nhưng hàng ngày, vẫn có không ít người coi thường pháp luật, tính mạng, vô tư vượt qua điểm giao nhau giữa đường bộ - đường sắt trong thời điểm có đèn tín hiệu, chuông báo. Thậm chí, nhiều trường hợp, trong lúc chuông cảnh báo reo lên, nhân viên gác chắn đang kéo gác chắn chặn lại, vẫn có người tham gia giao thông cố tình điều khiển phương tiện giao thông lách qua khe hẹp của gác chắn chưa kéo hết để tranh thủ “né” tàu. Khi nhân viên gác chắn nhắc nhở, không cho qua, nhiều người tỏ thái độ khó chịu, thậm chí chửi bới.
Theo quy định của pháp luật, việc người tham gia giao thông cố tình vượt đèn tín hiệu, chuông báo và gác chắn tại các nút giao nhau giữa đường bộ - đường sắt, gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh, sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế, chẳng mấy khi các trường hợp vi phạm như thế này bị xử phạt. Bởi vậy, để giảm thiểu TNGTĐS, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, cơ quan chức năng cũng cần cương quyết hơn trong việc xử lý những trường hợp vi phạm khi cố tình băng qua điểm giao nhau giữa đường bộ - đường sắt.
|