Vấn đề bạn đọc quan tâm
Thấy gì qua những vụ vỡ nợ hàng chục tỉ đồng?
22:40', 31/10/ 2011 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta liên tục xảy ra nhiều vụ vỡ nợ dây chuyền với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Điều đáng nói, phần lớn những vụ vỡ nợ dây chuyền này không phải do làm ăn chân chính dẫn đến thua lỗ mà chủ yếu xuất phát từ hoạt động… “tín dụng đen”.

“Tín dụng đen” và những vụ vỡ nợ dây chuyền 

Luật sư Lê Hoài Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định), phân tích: “Có thể hiểu nôm na, “tín dụng đen” là hình thức cho vay với lãi suất cao hơn nhiều so với quy định của pháp luật. Theo Điều 476 Bộ luật Dân sự, khi vay nợ, hai bên thỏa thuận với nhau mức lãi suất và thời hạn vay; lãi suất hàng tháng do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá của 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Với quy định trên, so với lãi suất cho vay cơ bản hiện nay (14%/năm) thì mức cho vay tối đa theo quan hệ dân sự cao nhất là 21%/năm, có nghĩa là 1,75%/tháng”.

 

Ham lãi suất cao, hàng chục chủ nợ của chủ cửa hàng ĐTDĐ Hoàng Vinh (Phù Cát) lâm vào cảnh điêu đứng.

 

Thực tế cho thấy, nhiều quan hệ vay mượn cá nhân có mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cho vay tối đa trên rất nhiều, có thể ở mức 4-10%/tháng, thậm chí có trường hợp 15%/tháng. Do lãi suất “khủng” như vậy, nên nhiều người đã bị “mờ mắt” và dễ dàng “sập bẫy” các “đại gia”… lừa.

Như Báo Bình Định đã thông tin, đầu tháng 10.2011, tại thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) đã xảy ra một vụ vỡ nợ dây chuyền hàng chục tỉ đồng liên quan đến hàng trăm người. Nguyên nhân, hai người phụ nữ tên Đ.T.T và  L.T.H đã huy động của nhiều người hàng chục tỉ đồng với lãi suất 4-6%/tháng, sau đó, cho một “đại gia” ở TP Quy Nhơn vay lại với lãi suất 8-10%/tháng để hưởng lãi suất chênh lệch. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, “đại gia” này vỡ nợ, không còn khả năng chi trả, dẫn đến hàng trăm người lâm vào cảnh điêu đứng.

Tương tự vậy, tháng 7.2011, tại thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) cũng xảy ra một vụ vỡ nợ dây chuyền hàng chục tỉ đồng. Nguyên nhân, vợ chồng chủ cửa hàng điện thoại di động Hoàng Vinh là Đào Duy Vinh và Phạm Thị Hiền, trú ở cùng địa phương, đã vay của nhiều người với lãi suất thấp, sau đó, cho người khác vay lại với lãi suất cao để hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, cặp vợ chồng này không có khả năng trả tiền (cả gốc lẫn lãi), dẫn đến vỡ nợ dây chuyền.

Cũng với hình thức trả lãi suất cao ngất ngưỡng (2%/ngày), từ tháng 6.2010 đến tháng 5.2011, Nguyễn Thị Kim Loan (trú tại Phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) đã vay mượn của nhiều người để làm dịch vụ “đáo hạn ngân hàng” với số tiền hàng chục tỉ đồng. Thời gian đầu, Loan trả sòng phẳng, nhưng đến tháng 5.2011, Loan bỗng dưng... “mất tích”.

Đừng “mờ mắt” vì lãi suất… trên trời

Điều 163 Bộ luật Hình sự:

1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Thực tế cho thấy, nhiều người đã bị “mờ mắt” trước mức lãi suất hấp dẫn mà những kẻ đi vay tiền đưa ra. Để rồi, khi biết mình bị lừa, số tiền hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng, đã “tan thành mây khói”.

Theo Luật sư Trần Lâm Hải, Văn phòng luật sư Phú Hải (Đoàn Luật sư Bình Định): Phần lớn những vụ vỡ nợ dây chuyền hàng tỉ đồng xảy ra liên tiếp gần đây trên địa bàn tỉnh đều do người dân ham lãi suất cao hoặc các cá nhân thực hiện giao dịch tài sản nhưng không tuân thủ các quy định của pháp luật (không được các cơ quan chức năng công chứng, chứng thực) dẫn đến việc giao dịch tài sản không được đảm bảo. Do đó, việc giao dịch tài sản có thể diễn ra theo cách dắt dây (người B vay mượn của người A rồi lấy tài sản đó cho người C vay mượn lại). Vì giao dịch dắt dây nên khi một “mắt xích” làm ăn thua lỗ, không có khả năng chi trả, dẫn đến vỡ nợ dây chuyền với số tiền rất lớn. Ngoài ra, việc các thủ tục cho vay của ngân hàng còn phức tạp cũng là cơ hội cho “tín dụng đen” phát triển. Để không rơi vào vòng xoáy của “tín dụng đen”, người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật trong vấn đề bảo đảm giao dịch tài sản.

Những vụ vỡ nợ bạc tỉ gây chấn động thời gian qua trên địa bàn tỉnh là bài học đắt giá cho những ai hám lợi, muốn làm giàu nhanh để rồi mắc bẫy… “tín dụng đen”.

  • VĂN LỰC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hai vợ chồng bị khởi tố   (31/10/2011)
Dựa vào dân để phòng chống tội phạm  (31/10/2011)
Mô tô lao xuống cầu   (31/10/2011)
Giết vợ cũ, lĩnh án 20 năm tù  (31/10/2011)
Cần đề phòng những đối tượng “ngủ ngày, cày đêm”  (30/10/2011)
Kéo dài 6 năm   (29/10/2011)
Trả giá cho hành động nông nổi   (29/10/2011)
Tai nạn tại ngã tư   (29/10/2011)
Bắt khẩn cấp hai tên trộm  (29/10/2011)
Cưỡng hiếp bạn nhậu  (29/10/2011)
Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức   (29/10/2011)
Cảnh giác nạn trộm cắp trong mùa mưa bão  (29/10/2011)
Một vụ trọng án   (28/10/2011)
19 năm, 6 tháng tù cho 5 học sinh  (28/10/2011)
Đừng “nhanh chân” một chút để rồi phải “tàn đời”  (27/10/2011)