Sau khi ly hôn, nhiều người không được quyền nuôi con đã bắt cóc... con về nuôi, đồng thời ngăn cản không cho người được quyền nuôi thăm nom con. Theo quy định, đây là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên việc xử lý không dễ dàng.
Bắt cóc… con
Trường hợp của chị T.V, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, là một ví dụ. Sau 6 năm chung sống không hạnh phúc, năm 2010, vợ chồng chị đưa nhau ra tòa án xin ly hôn. Qua nhiều lần hòa giải không thành, tòa án ra quyết định thuận tình ly hôn đối với vợ chồng chị T.V. Riêng đứa con trai 5 tuổi, tòa án quyết định giao cho chị T.V nuôi, người cha trợ cấp nuôi con. Trong quá trình nuôi con, chị T.V đã tạo điều kiện để người cha được thăm nom và chăm sóc con một cách đàng hoàng. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau khi ly hôn, trong một lần đón con đi học về, cha đứa trẻ giấu luôn nó, không chở về cho chị T.V.
Bức xúc, chị T.V nhiều lần đến nhà chồng cũ đòi con về, nhưng lần nào cũng bị chồng cũ và người nhà ngăn cản, không cho gặp con. Không chỉ vậy, chị T.V còn bị chồng cũ hăm dọa. Không đòi được con, chị đành gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, vụ việc “đòi con” của chị T.V vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý.
Một trường hợp khác, năm 2009, sau khi phát hiện vợ ngoại tình, anh M.N cương quyết đưa đơn ra tòa án xin ly hôn. Mặc dù không muốn ly hôn với chồng, nhưng vì chứng cứ ngoại tình đã bị chồng thu giữ, nên vợ anh M.N đành chấp nhận thuận tình ly hôn và đồng ý giao con gái 4 tuổi cho anh M.N nuôi. Sau khi ly hôn, vì không sống được với “miệng người đời” nên vợ cũ anh M.N chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Sau một năm ly hôn, vợ cũ anh M.N từ TP Hồ Chí Minh về thăm con rồi sau đó bắt cóc con đưa vào TP Hồ Chí Minh. Từ đó, vợ cũ anh M.N đổi chỗ ở, đổi cả số điện thoại và cắt toàn bộ liên lạc với người quen, nên hơn một năm qua, anh M.N không thể nào tìm được con. Dù rất bức xúc, nhưng nghĩ vợ cũ hành động như vậy cũng vì thương con, nên anh M.N chần chừ chưa muốn gửi đơn báo cáo cơ quan chức năng.
Hãy vì con trẻ
Tuy Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ nuôi con của mỗi bên sau ly hôn, nhưng thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc bắt cóc con như đã nói trên, khiến người được quyền nuôi con bức xúc. Tuy nhiên, nếu xử lý vụ việc này theo hướng mềm mỏng thì không được, còn xử lý nghiêm theo quy định pháp luật thì người được quyền nuôi con không đành lòng. Theo một cán bộ chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn, việc xử lý các vụ giành con trái thẩm quyền gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, việc giành giật con xuất phát từ tình cảm đặc biệt của người giành với con cái nên mới giành về nuôi, chứ nếu không thì chẳng ai đi giành con như vậy. Thứ hai, đối tượng người bị giành con yêu cầu thi hành án can thiệp là một đứa trẻ chứ không phải hàng hóa hay tài sản gì, nên việc đi lấy đứa trẻ để giao cho người được quyền nuôi theo bản án không dễ dàng chút nào.
Luật sư Võ Hồng Nam – Văn phòng Luật sư Nam Luật (Đoàn Luật sư Bình Định), phân tích: “ Điều 304 Bộ Luật Hình sự có quy định về tội không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp người mẹ được tòa án giao nuôi con nhưng người cha đến bắt con đi, không có sự đồng ý của người mẹ, thì dù có nuôi và chăm sóc con tốt, người cha cũng vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự”.
Như vậy, việc giành con trái thẩm quyền là một hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, thiết nghĩ để cho đứa trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất, những người làm cha làm mẹ cần phải có hướng giải quyết hài hòa, đừng để trẻ bị những tác động không tốt bởi tính ích kỷ của người lớn.
Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên... Người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được quyền cản trở người đó thực hiện quyền này. |
|