Những năm qua, công tác quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật tại nơi cư trú theo Nghị định 163/CP của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm.
Quản lý, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) là một trong những biện pháp có tính chiến lược trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, gắn trách nhiệm của xã hội với biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an. Ở tỉnh ta, trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngoài biện pháp xử lý hình sự, những năm qua, các địa phương đã chú trọng quản lý, giáo dục đối tượng tại nơi cư trú do Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ Nghị định 163 ra quyết định áp dụng đối với người có những hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức khởi tố điều tra, xử lý theo Luật Hình sự. Việc lập hồ sơ đề nghị và quản lý đối tượng do công an xã trực tiếp thực hiện, với sự tham gia của cộng đồng.
|
Bà con thôn Kiều An, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, kiểm điểm đối tượng quản lý tại cộng đồng theo Nghị định 163/CP. Ảnh: ĐỖ THÀNH BINH |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh, từ năm 2004 đến ngày 31.5.2011, lực lượng công an cơ sở đã lập hồ sơ đề nghị và chủ tịch UBND cấp xã đã ra 4.458 quyết định áp dụng quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng. Đối tượng áp dụng quản lý, giáo dục hầu hết là nam giới (chiếm 98,92%), tuổi đời phần lớn còn rất trẻ, trong đó dưới 16 tuổi chiếm 17,56%, 16-30 tuổi chiếm 68,75%, từ 30 tuổi trở lên chiếm 13,69%. Vi phạm chủ yếu của đối tượng là trộm cắp (chiếm 38,33%); gây rối trật tự công cộng (37,99%); xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm (15,77%). Nguyên nhân vi phạm phần lớn do chây lười học tập, lao động; thích ăn chơi đua đòi, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình…
Qua quản lý giáo dục tại cộng đồng, phần lớn người lầm lỡ nhận thấy sai trái của mình và đã học tập, sửa chữa sai lầm để tiến bộ. Đáng chú ý, cùng với việc quản lý giáo dục tại cộng đồng, nhiều người lầm lỗi đã được người dân địa phương, chính quyền, công an cấp xã… quan tâm giúp đỡ trong lao động, sản xuất, kinh doanh hay bảo lãnh vào làm việc tại các doanh nghiệp; nhờ đó, dần có cuộc sống ổn định.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít đối tượng không hợp tác với cộng đồng, phớt lờ sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người, tiếp tục có hành vi vi phạm và đã bị xử lý bằng hình thức kiên quyết hơn. Vì vậy, trong hơn 4.000 trường hợp quản lý giáo dục trên, có 319 đối tượng chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng và 553 trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục lao động.
Công tác quản lý, giáo dục người vi phạm tại cộng đồng đã giúp lực lượng công an các cấp chủ động trong phòng ngừa cũng như đấu tranh với các loại tội phạm. Thông qua biện pháp này, công an cơ sở, trinh sát địa bàn nắm chắc tình hình đối tượng từ cơ sở và kịp thời tác động để đối tượng từ bỏ hành vi phạm tội; đồng thời, nhận định đúng tính chất, đối tượng để áp dụng phương pháp, biện pháp đấu tranh phù hợp khi có tội phạm xảy ra. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, tội phạm giảm nhờ làm tốt công tác quản lý đối tượng tại cộng đồng; đồng thời, thông qua công tác này, việc làm rõ tội phạm cũng nhanh hơn.
Trước tình hình an ninh trật tự xã hội diễn biến phức tạp, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm ngày càng khẩn trương, quyết liệt. Do đó, cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng từ cơ sở. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng chức năng cấp xã cần quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên để biện pháp phòng ngừa tội phạm có tính chiến lược này mang lại hiệu quả tích cực hơn nữa, góp phần bảo vệ bình yên ngay từ cơ sở.
|