Báo động tình trạng thanh thiếu niên phạm tội
Kỳ II: Cả cộng đồng cùng vào cuộc
20:2', 17/11/ 2011 (GMT+7)

Việc phòng, chống tình trạng thanh thiếu niên (TTN) phạm tội hiện nay, không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan an ninh, pháp luật, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó, gia đình, nhà trường luôn đóng vai trò quan trọng…

Gia đình, nhà trường: đóng vai trò quan trọng

Theo nhận xét của giáo viên, học sinh thời nay hiểu biết hơn các thế hệ đồng lứa trước vì được tiếp xúc với thông tin nhiều hơn, song cũng rất dễ sa vào những cám dỗ, các tệ nạn xã hội hơn nếu không được quan tâm sát sao về mọi mặt. 

 

Các trường đại học, cao đẳng cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc quản  lý sinh viên ngoại trú, góp phần hạn chế tình trạng sinh viên phạm tội.

- Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn nộp “Sổ quản lý sinh viên ngoại trú” làm căn cứ để Trường xếp loại rèn luyện của sinh viên tại Phòng Công tác sinh viên.

Một giáo viên bậc THCS ở Quy Nhơn cho biết, việc giáo dục đạo đức cho học sinh, tuy cũng có lồng ghép trong các môn học xã hội, nhưng không nhiều và phải phù hợp với nội dung chương trình giảng dạy. Cũng có ý kiến cho rằng, nhà trường hiện gặp không ít khó khăn trong giáo dục đạo đức học sinh vì áp lực thành tích, phổ cập giáo dục; vì cố giữ học sinh nên đôi lúc giáo viên chùn tay, xuê xoa, bỏ qua cho những trường hợp vi phạm mà lẽ ra phải bị xử phạt hoặc buộc thôi học.

Về gia đình, bên cạnh các gia đình sâu sát, quan tâm dạy dỗ con em, vẫn còn trường hợp “khoán trắng” cho nhà trường, xã hội. Phụ huynh không theo dõi việc học hành, không biết được các mối quan hệ ngoài xã hội của con, nên trẻ dễ dàng tự do làm theo ý thích mà không có sự kiểm soát của người lớn; hoặc bất hợp tác với nhà trường trong phối hợp giáo dục con cái. Đến khi con bị lôi kéo, hư hỏng thì việc giáo dục lại rất khó khăn, nhiều phụ huynh bất lực. Ngược lại, có trường hợp phụ huynh quá nuông chiều, luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con. Một hiệu trưởng THPT cho biết, không ít trường hợp con “biểu tình” không đi học nếu không được mua xe máy, điện thoại “xịn”. Chính kiểu nuông chiều này vô hình chung tiếp tay cho những thói hư tật xấu của con phát triển. 

Nhà trường là nơi dạy lời hay lẽ phải cho học sinh, nhưng môi trường gia đình, nền nếp gia phong mỗi nhà mới chính là nơi tạo nên thói quen, hình thành nên nhân cách của con cái. Nếu gia đình, nhà trường cùng quan tâm dạy dỗ sát sao, tìm hiểu tâm tư con em sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh…”- ông Dương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Quy Nhơn, nói.

Cộng đồng phải cùng chung tay

Ý kiến của người trong cuộc:

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư thường trực Tỉnh Ðoàn:

Hiện nay, các mô hình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của Đoàn vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự chú trọng đến đối tượng  TTN chậm tiến. Theo tôi, với đối tượng này, phải tạo được sân chơi riêng phù hợp với họ, tạo công ăn việc làm phù hợp và tìm cách thay thế những đam mê không lành mạnh bằng đam mê lành mạnh, như hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ. Thời gian tới, khi Trung tâm Thanh thiếu niên đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ chú trọng phát triển mô hình rèn luyện kỹ năng, tổ chức các câu lạc bộ phù hợp với sở thích của TTN.

Bà Võ Thị Hạnh, giáo viên Trường THCS Ân Thạnh (Hoài Ân):

Gia đình cần chủ động chia sẻ trách nhiệm với nhà trường bằng cách liên lạc thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm rõ tình hình lên lớp, khả năng tiếp thu bài của con em. Từ đó, đưa ra những biện pháp uốn nắn, khuyên răn nếu các em lơ là việc học, hay đua đòi tụ tập cùng bạn bè; nếu gặp những trường hợp học sinh tái phạm lỗi nhiều lần, hoặc có mâu thuẫn với bạn bè, gia đình cần ngồi lại với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường tìm hiểu kỹ nguyên nhân, đề ra biện pháp giáo dục phù hợp.

Ông Ðỗ Tấn Phước, Phó Phòng Trị an- An ninh, Viện KSND tỉnh:

Hiện nay, mối quan hệ giữa gia đình- nhà trường- xã hội, và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội trong việc giáo dục con em, học sinh chưa được gắn kết chặt chẽ. Đã đến lúc phải coi công tác phòng, chống tội phạm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không phải là trách nhiệm riêng của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo Công an (CA) tỉnh, hiện nay công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức xã hội chưa đồng bộ, thiếu liên kết chặt chẽ trong việc phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi TTN, học sinh, sinh viên (HSSV); vẫn còn tâm lý coi công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là trách nhiệm của lực lượng CA. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho TTN còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự tác động đến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho HS.

Từ thực tế cho thấy, địa phương, chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay quan tâm dạy dỗ, giáo dục đạo đức cho HS, sẽ phần nào hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật của TTN.

Tại TP Quy Nhơn, từ đầu năm 2011 đến nay, trước tình hình HS, SV vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo CA thành phố Quy Nhơn phối hợp với Ban Giám hiệu một số trường THCS, THPT, đại học, cao đẳng trên địa bàn phát động phong trào “Phòng chống vi phạm pháp luật trong HS, SV” xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn. Kết quả khảo sát vừa qua tại một số trường THCS TP Quy Nhơn cho thấy, nhiều trường hợp HS đánh nhau đã được ngăn chặn kịp thời nhờ sự phát hiện của HS, giáo viên trong trường.

Đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng TTN phạm tội. Đã đến lúc, gia đình, nhà trường và cả cộng đồng xã hội hãy chăm lo, gieo “mầm thiện” cho con em, học sinh. Điều đó, không chỉ làm ngày một, ngày hai mà phải là một quá trình dài của sự quan tâm sâu sát, kịp thời mọi thay đổi, phát triển tâm sinh lý của trẻ. Không chỉ hô hào, lý luận suông mà phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực; phải trang bị kỹ năng sống cho con để đối phó với những mặt tiêu cực của xã hội đang len lỏi, phát triển, ảnh hưởng đến lối sống, nhận thức của TTN.

  • THU HÀ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bắt đối tượng cưỡng đoạt tài sản  (17/11/2011)
Đẩy mạnh các giải pháp lập lại TTATGT đường sắt   (16/11/2011)
Án một đằng, thi hành một nẻo   (16/11/2011)
Phát hiện người trôi trên biển  (16/11/2011)
Một người nước ngoài đột tử   (16/11/2011)
Kỳ I: Tội phạm đang trẻ hóa   (16/11/2011)
Khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng lừa đảo  (15/11/2011)
Chuyển hồ sơ, đối tượng lên Cơ quan điều tra - Công an tỉnh  (15/11/2011)
Cẩn trọng để tránh bị lừa   (14/11/2011)
Vay tiền trả lãi cao để chiếm đoạt   (14/11/2011)
“Do mâu thuẫn với cha nạn nhân”?  (14/11/2011)
Xác chết dưới ao cá   (14/11/2011)
Bắt cóc trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng  (13/11/2011)
Lá cờ đầu trong phong trào thi đua  (12/11/2011)
“Gỡ” theo cách nào?   (12/11/2011)