Nếu như trước đây, người bị tai nạn giao thông (TNGT) nhập viện chỉ được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) khi được xác định là không vi phạm pháp luật, thì theo Thông tư liên tịch số 39 /2011/TTLT-BYT-BTC về hướng dẫn thủ tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT bị TNGT vừa được Liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành, tất cả các trường hợp bị TNGT sẽ được hưởng chế độ BHYT khi khám, chữa bệnh.
Theo quy định cũ, người bị TNGT có tham gia BHYT, khi nhập viện nếu chưa có giấy xác nhận về việc không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan công an thì bệnh nhân phải tự ứng tiền viện phí để khám, chữa bệnh. Trong thời gian điều trị hoặc sau khi điều trị xong, nếu có giấy xác nhận của cơ quan công an về việc không vi phạm pháp luật về giao thông thì bệnh nhân được hoàn trả viện phí theo chế độ BHYT. Thời gian qua, quy định này đã gây không ít khó khăn cho người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân, nhất là những trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng, có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để tạm ứng tiền viện phí điều trị khi chưa có giấy xác nhận của cơ quan công an.
|
Từ ngày 26.12.2011, bệnh nhân bị TNGT khi vào viện không cần phải có giấy xác nhận không vi phạm luật giao thông cũng được thanh toán BHYT theo quy định.
- Trong ảnh: Hồi sức cấp cứu nạn nhân bị chấn thương sọ não tại khoa Ngoại thần kinh cột sống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: TRANG XUÂN CHI |
Trước những bất cập trên, vừa qua Liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 39. Theo đó, từ ngày 26.12.2011, tất cả các trường hợp bị TNGT, khi chưa xác định được tình trạng vi phạm pháp luật thì đều được thanh toán BHYT. Trong vòng 2 ngày sau đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) phải có trách nhiệm gửi văn bản đến Cảnh sát giao thông hoặc Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội nơi xảy ra vụ TNGT đề nghị xác minh trường hợp này có vi phạm pháp luật hay không.
Trong vòng 3 tháng, nếu có đủ căn cứ xác định người bị tai nạn vi phạm pháp luật về giao thông thì có 3 hướng giải quyết. Thứ nhất, nếu người bị tai nạn còn đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thì cơ quan BHXH thông báo trực tiếp cho phía người bị tai nạn biết và không thanh toán BHYT. Thứ hai, trường hợp người bị tai nạn tử vong thì không thu hồi số tiền mà quỹ BHYT đã thanh toán. Thứ ba, nếu người bị tai nạn đã ra viện thì cơ quan BHXH thực hiện thu hồi số tiền đã chi trả; nếu không thu hồi được thì kết thúc năm tài chính, BHXH Việt Nam tổng hợp các trường hợp để Bộ Y tế và Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép quyết toán vào quỹ BHYT.
Ngoài ra, Thông tư mới cũng quy định những trường hợp dưới 14 tuổi và từ 80 tuổi trở lên khi bị TNGT, khi vào viện sẽ được hưởng chế độ BHYT theo quy định mà không phải xác định hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.
Theo quy định, người tham gia BHYT bị TNGT khi đi khám, chữa bệnh, ngoài việc xuất trình thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định chung, phải cung cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các thông tin liên quan, gồm: Họ và tên; ngày sinh; nơi cư trú; thời gian, nơi xảy ra tai nạn và nguyên nhân bị TNGT (nếu có). Trường hợp người bị tai nạn hôn mê, không cung cấp được các thông tin trên thì thân nhân hoặc người đưa người bị tai nạn vào viện có trách nhiệm cung cấp các thông tin mà mình biết được về vụ TNGT xảy ra đối với người bị tai nạn.
Ông Võ Năm – Phó Giám đốc BHXH Bình Định, cho biết: “Thông tư liên tịch số 39/2011/TTLT-BYT-BTC đã tháo gỡ những khó khăn cho bệnh nhân bị TNGT. Cụ thể, theo quy định mới, trường hợp bệnh nhân bị TNGT có tham gia BHYT chỉ vào khám, điều trị như các bệnh nhân khác có thẻ BHYT mà không cần phải ứng viện phí như trước đây khi chưa có giấy xác nhận về việc không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan công an. Ngoài ra, bệnh nhân và người nhà cũng không cần phải trực tiếp đi đến cơ quan công an để xác nhận về việc không vi phạm pháp luật về giao thông, vì việc này đã có cơ quan BHXH thực hiện”.
|