Tuy chỉ là chợ cấp ba thuộc sự quản lý của UBND phường nhưng chợ Phú Tài (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) khá nhộn nhịp bởi nằm gần Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài. Tuy vậy, đến nay, chợ vẫn chưa có một lực lượng chuyên cho công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) và phòng cháy chữa cháy (PCCC). Điều này khiến nhiều tiểu thương ở chợ khá bức xúc.
|
Chợ Phú Tài không có cửa và tường rào xung quanh, khó đảm bảo ANTT vào ban đêm.
|
Nguy cơ trộm cắp, cháy nổ
Chợ Phú Tài có diện tích 3.200 m2, với khoảng 120 tiểu thương đăng ký lô, sạp và hơn 100 tiểu thương buôn bán nhỏ xung quanh chợ. Trước đây, chợ vốn không có nhiều người buôn bán; sau khi KCN Phú Tài phát triển, chợ mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng ngày cho người dân, nhất là công nhân làm việc tại KCN. Năm 2000, chợ được xây dựng lại và do UBND phường Bùi Thị Xuân quản lý.
Theo phản ánh của một số tiểu thương, tuy đã là một ngôi chợ có quy mô tương đối lớn với lượng hàng hóa mua bán khá nhiều, nhưng từ khi xây dựng lại đến nay, chợ không hề có lực lượng bảo vệ ANTT và PCCC. Trong khi đó, chợ lại không có cửa và tường rào bao quanh. Hệ lụy của vấn đề này là nguy cơ cháy nổ luôn chực chờ; tình trạng trộm cắp, mất ANTT ở chợ thường xuyên xảy ra.
Vợ chồng ông Nguyễn Huy Ái và bà Nguyễn Thị Thu Hà - chủ một ki ốt bán hàng tạp hóa tại chợ Phú Tài - cho biết, ki ốt của gia đình ông bà tại chợ đã từng bị kẻ gian cạy cửa vào ban đêm ba lần để lấy cắp hàng hóa. Để đề phòng, ông Ái phải gia cố cửa sắt cho ki ốt, kèm theo... 11 ổ khóa! Và chuyện các tiểu thương bị kẻ gian cạy cửa, dỡ mái ki ốt lấy cắp hàng vào ban đêm không còn là chuyện lạ ở ngôi chợ này.
Ông Ái bức xúc: “Với đa số tiểu thương, tất cả vốn liếng, tài sản của họ đều dồn vào sạp hàng ở chợ. Vì vậy, chỉ một chút sơ hở là có thể mất trắng. Bài học từ vụ cháy Chợ Lớn Quy Nhơn vẫn còn đấy. Tôi từng đem vấn đề này hỏi và được lãnh đạo phường cho biết, đã kêu gọi nhiều lần nhưng vì nhiều tiểu thương vẫn giữ thói quen buôn bán ở một ngôi chợ quê nên thiếu thống nhất trong việc đóng góp kinh phí để thành lập và duy trì hoạt động của tổ bảo vệ ANTT và PCCC chợ. Tôi cho rằng, lãnh đạo phường đã thiếu kiên quyết trong vấn đề này. Phường phải đứng ra kêu gọi, tuyên truyền cho tiểu thương hiểu tầm quan trọng của việc đảm bảo ANTT và phòng chống cháy nổ ở chợ để cùng thống nhất với chủ trương này chứ!”.
|
Ông Nguyễn Huy Ái, đại diện một số hộ tiểu thương chợ Phú Tài, nêu kiến nghị vấn đề cần đảm bảo ANTT và PCCC cho chợ với đại biểu HĐND các cấp tại một buổi tiếp xúc cử tri tại phường Bùi Thị Xuân mới đây.
|
Cần chuyên môn hóa công tác ANTT và PCCC
Theo ông Đỗ Tấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân, chợ Phú Tài vẫn có lực lượng làm nhiệm vụ ANTT và PCCC. Cụ thể, hai trong sáu thành viên Ban quản lý chợ được phân công kiêm nhiệm công tác ANTT chợ; việc tuần tra, canh gác chủ yếu vào ban đêm; vào dịp lễ, Tết, có thêm Ban Bảo vệ dân phố của phường phối hợp đi tuần tra. Về công tác PCCC, Ban quản lý chợ cũng thành lập một tổ PCCC gồm ba người, được phường cử đi tập huấn hàng năm. Về các trang thiết bị PCCC, UBND phường đã xây dựng tại chợ bể chứa nước thể tích 4 m3, trang bị thùng phuy đựng cát và một số thiết bị, dụng cụ khác để chữa cháy, vận động các tiểu thương tự trang bị bình khí CO2 (hiện cả chợ có khoảng 30 bình). Hai tổ công tác trên được kiện toàn hàng năm và kinh phí hoạt động do Ban quản lý chợ chi trả theo dạng bồi dưỡng (tổ ANTT) và khi có sự cố (tổ PCCC).
Tuy nhiên, ông Anh cũng thừa nhận rằng, Ban quản lý chợ chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý chung nên công tác giữ gìn ANTT chỉ là kiêm nhiệm chứ không chuyên. Theo ông Anh, nguyện vọng của tiểu thương là chính đáng và trước đây, phường cũng đã vài lần họp tiểu thương về vấn đề này nhưng đa số không ủng hộ. Về phía mình, UBND phường cũng không đủ kinh phí để thành lập và duy trì hoạt động các tổ công tác này.
Theo tính toán của lãnh đạo phường Bùi Thị Xuân, nếu chợ Phú Tài thành lập lực lượng riêng làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT và PCCC, đồng thời, gắn hai lực lượng này với nhau thì rất thuận lợi. Lực lượng này ít nhất phải có bốn người, chia làm hai ca trực đêm và ngày; kinh phí để trả lương cho lực lượng ANTT và PCCC sẽ huy động từ tiểu thương đóng góp, với mức tối thiểu tổng cộng khoảng 6 triệu đồng/tháng.
“Sắp tới, UBND phường sẽ mời lại các tiểu thương để họp bàn vấn đề này một lần nữa và huy động các tiểu thương đóng góp. Qua báo chí, chúng tôi đề nghị tiểu thương nâng cao ý thức trong việc đảm bảo ANTT và PCCC chung cho chợ. Về phía phường, chúng tôi sẽ cố gắng làm” - ông Anh khẳng định.
|