Trại giam Kim Sơn thuộc Tổng Cục VIII, Bộ Công an, đóng tại xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) là nơi giam giữ hàng ngàn phạm nhân chủ yếu thuộc 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi. Họ phải có mặt ở đây, lao động sản xuất, chịu hình phạt cách ly xã hội, để chuộc lại một phần tội lỗi đã gây ra…
|
Phạm nhân nữ đang học may vá quần áo tại Xưởng may của Trại giam Kim Sơn. |
1.
Vóc người thanh mảnh, giọng nói nhỏ nhẹ, phạm nhân Phạm Thị Lý (SN 1971) vân vê tà áo, bảo chỉ còn 2 năm nữa là được ra trại. Khoảng cuối năm 2003, khu chợ Đầm (Quy Nhơn) náo loạn bởi tin DNTN Đại Lợi vỡ nợ. Thâm nợ từ nhiều năm trước, nhưng từ năm 2000 đến năm 2003, với chiêu “vay trả lãi cao” Lý mượn danh nghĩa của công ty chồng vay tiền cho đến khi hoàn toàn mất khả năng chi trả số nợ trên 1,2 tỉ đồng. Lý nhận án 12 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong suốt cuộc trò chuyện, Lý luôn miệng nói tất cả là lỗi tại mình: “Tất cả là do tôi. Ông xã tôi không hề biết việc gì cả, sự việc vỡ lở, ảnh phải bán hai căn nhà để trả nợ, rồi từ đó suy sụp luôn, không gượng dậy nổi. Đứa con gái lớn phía ngoại cưu mang, đứa nhỏ chồng nuôi…”. Thời hạn Lý ở đây vẫn còn dài, nhưng nhắc đến ngày về, chị ta lại rấm rứt khóc khi nghĩ đến việc sẽ đi đâu, làm gì để bù đắp lại tuổi thơ của con đã mất. Hơn nữa, đã 4 năm nay, chồng Lý không còn lên xuống, thăm nom cô nữa.
2.
Tuổi giấy tờ 57, tuổi thật 60, nhưng trông phạm nhân Đào Ngọc Anh già hơn tuổi rất nhiều. Bệnh tiểu đường hành hạ ông đã 17 năm, mới đây lại phát sinh thêm bệnh gai cột sống. “Bởi vậy phải luôn cố không nghĩ đến bệnh”- phạm nhân Anh buồn bã nói.
Ông Anh nguyên là giáo viên Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (Quy Nhơn), gia đình căn bản, nhưng vì tham cái lợi của việc mua bán thuốc nổ, vợ chồng ông đã bất chấp hậu quả. Thời điểm bị bắt, trong nhà của ông chứa khoảng 1,4 tấn thuốc nổ. Ông Anh bị kết án 17 năm tù, người vợ chịu án 13 năm.
|
Một phạm nhân chăm sóc cây cảnh. |
Ông Anh được lãnh đạo trại phân công nhiệm vụ “xóa mù” cho những phạm nhân khác. “Hầu hết đều đã lớn tuổi, khó nhớ mặt chữ, tay cầm viết không được. Dạy được họ nhớ mặt chữ, cầm cây bút đúng cách, biết viết chữ mệt bở hơi tai, nhưng phải động viên nhau cố gắng thôi” - ông Anh nói.
So với nhiều phạm nhân khác, ông Anh còn khá may mắn bởi ông còn có con cái làm chỗ dựa. Nhờ có con rể là bác sĩ nên ông thường được con cái gởi thuốc vào trại giam, hướng dẫn sử dụng chi tiết. Trước lúc chào tôi, ông đưa tay nhẩm tính: “Thời điểm mãn hạn tù, tôi đã 74, 75 tuổi, không biết còn chờ nổi ngày đó không…”.
3.
Những phạm nhân mà tôi đã gặp, đều tỏ ra ân hận trước những lỗi lầm đã gây ra. Nhưng chắc rằng, khi bắt đầu hành vi phạm tội, chẳng ai nghĩ đến sự trừng phạt.
Năm 2008, Đỗ Thị Dung và chồng là Phan Lương Thiện đã chiếm đoạt 6,5 tỉ đồng của nhiều người ở Quy Nhơn, chạy trốn qua nhiều tỉnh thành. Phạm nhân Đỗ Thị Dung khóc nấc khi nhắc đến hai đứa con gắng học hành trong thời điểm cha mẹ mang tội lừa đảo, chạy trốn sự truy đuổi của cơ quan pháp luật: “Lúc đó thằng con đầu là sinh viên năm thứ 3, đứa con gái học đại học năm 1. Sau này tôi nghe con kể lại, nhiều bạn bè đã động viên, an ủi rất nhiều. Nếu không có chí, có lẽ chúng đã bỏ ngang, chứ không được như bây giờ một đứa làm ngân hàng, đứa làm việc cho một công ty nước ngoài”.
Trung úy Trần Thị Hạnh, nữ quản giáo Phân trại 2 của Trại giam Kim Sơn, cho biết, có 84 nữ phạm nhân đang thụ án tại đây. Trong đó, có 4 người thụ án chung thân (liên quan đến án kinh tế), khoảng 20 người thụ án từ 15-30 năm, khoảng 30 người thụ án 7-15 năm. Có trường hợp cả hai, ba mẹ con cùng vào tù vì tội mua bán ma túy. Nhiều trường hợp sau khi vợ vào tù, gia đình tan nát, vợ chồng ly tán.
Họ nói lời ân hận, họ khóc nức nhưng không mấy ai nhắc đến biết bao gia đình đã nhà tan cửa nát, ly tán do tội lỗi của họ gây ra? Có vay thì có trả. Những ngày thụ án tại trại giam, những người một - thời - của - ngày - xưa, hẳn giờ mới thấm câu “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
|