Chuyện náo loạn ở chốn công đường có thể có nhiều lý do. Vì người bị hại bức xúc khi thấy mình không được bồi thường như thỏa đáng. Vì người thân của bị cáo phẫn nộ khi thấy con, cháu, chồng, vợ của mình phải chịu mức án nặng hơn họ nghĩ. Chưa kể đến việc gia đình bị hại, bị cáo mâu thuẫn nhau từ lúc ở nhà ra đến chốn công đường. Có nhiều vụ án, tòa vừa xử xong, người nhà hai bên hầm hè như muốn loạn đả ngay giữa tòa. Nhưng vụ náo loạn tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh hôm 28.11 mà Báo Bình Định có bài phản ánh, lại là chuyện khác.
Người bị hại tham gia phiên tòa trong tâm trạng bức xúc khi mồ mả tổ tiên ông bà bị đào xới bừa bãi cả năm trời, đến nay vẫn chưa được tu tảo lại. Song, có lẽ nỗi bức xúc ấy không bùng phát nếu như vị đại diện Viện Kiểm sát có lời lẽ, thái độ đúng mực hơn với người bị hại.
Tham dự nhiều phiên tòa, tôi thấy không ít người, đặc biệt là người ít học hoặc nông dân chân lấm tay bùn, lần đầu tiên đứng trước công đường, đối diện với hội đồng xét xử, với đại diện Viện Kiểm sát, họ rất run, thậm chí sợ sệt, không hiểu thẩm phán hỏi gì, mình phải trả lời ra sao. Bởi vậy, mới có chuyện hội đồng xét xử hỏi nhiều lần, đương sự mới hiểu ra; hoặc nói đi nói lại mãi một vấn đề chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Lại có lúc, họ muốn nói một vấn đề gì đó để làm sáng tỏ câu hỏi của thẩm phán, thậm chí lời nói đó có thể được coi là một bằng chứng khác được phát hiện mới trong phiên xét xử công khai, thế nhưng vì sợ, vì không biết diễn đạt ra sao nên ngắc ngứ, khiến đôi khi chủ tọa phiên tòa sốt ruột, cắt ngang lời…
Vị kiểm sát viên hôm ấy có thể không sai, nhưng nỗi bức xúc lại xả về phía anh là do thái độ thiếu chừng mực. Giữ uy nghiêm ở chốn công đường là chuyện phải làm để thể hiện sự răn đe của pháp luật đối với cái ác, cái xấu, nhưng cũng cần lắm sự cảm thông, tôn trọng và đúng mực...
|