|
Với chiêu lừa vay tiền lãi suất cao, trùm lừa đảo Trần Thị Ngọc Hà (Quy Nhơn) đã khiến nhiều chủ nợ lâm vào cảnh tán gia bại sản. |
Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ nợ với giá trị tài sản lên đến hàng chục tỉ đồng. Không ít vụ vỡ nợ xuất phát từ lòng tham và hệ lụy là gia đình tan nát, thậm chí có trường hợp quẫn trí có ý định quyên sinh…
Theo thông tin báo chí phản ánh về các vụ vỡ nợ gần đây trên địa bàn tỉnh ta, phần lớn các vụ vỡ nợ này đều liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Xét ở nhiều khía cạnh, các vụ vỡ nợ trên chính là hệ quả từ lòng tham của cả người cho vay và người đi vay. Hình ảnh hàng chục người dân vây quanh Phòng khám Đa khoa T.S (Quy Nhơn) để đòi nợ; cảnh chửi bới, đánh nhau, gây mất trật tự ở thị trấn Phù Mỹ vì chuyện tiền vay; rồi cảnh siết nợ gây mất trật tự diễn ra ở nhiều nơi… chỉ là bề nổi của tảng băng về tình trạng “tín dụng đen” đã tồn tại từ khá lâu trên địa bàn tỉnh ta.
“Tín dụng đen” không chỉ xuất hiện ở thành phố mà còn tràn về nông thôn, thậm chí cả trong giảng đường đại học. Do thủ tục vay vốn ở các ngân hàng thường rườm rà hoặc không có tài sản để thế chấp, nên nhiều người dân, doanh nghiệp đã tìm đến những kẻ cho vay nặng lãi để vay tiền với lãi suất cao, rồi tìm cách hoàn trả nhanh. Lãi suất được chủ nợ tính theo ngày, thường là từ 3.000 đến 4.000 đồng/ngày cho 1 triệu đồng vay. Nếu vay theo tháng thì lãi suất sẽ là 9-12%/tháng. Nếu so với mức lãi suất vay 17-19%/năm hiện các ngân hàng thương mại đang thực hiện thì lãi suất “vay nóng” thật kinh khủng. Trong các trường hợp này, các chủ nợ khéo léo viết giấy nợ quá lên theo số lãi hoặc nhận tiền lãi trước để tránh những rắc rối với pháp luật nếu xảy ra tranh chấp. Trong khi đó, cơ chế giám sát, quản lý việc cho vay theo hình thức tín dụng đen dường như bị bỏ ngỏ.
Quan sát diễn biến của các vụ nỡ nợ lớn liên tục diễn ra trong thời gian gần đây cho thấy, đa phần các chủ nợ khá dễ dàng trong một thời gian ngắn đã có trong tay hàng chục tỉ đồng. Để thực hiện được điều đó, các đối tượng huy động tiền đánh trúng tâm lý của những người có tiền đó là ham lợi, muốn kiếm tiền nhanh. Những “hợp đồng” vay mượn kiểu này chỉ được thực hiện bằng tờ giấy nợ viết tay đơn giản.
Nếu tỉnh táo có thể nhận ra, không ai có thể kinh doanh gì để có lãi suất cao đến khủng khiếp như vậy. Sóng ngầm tín dụng đen mà đỉnh điểm là những vụ vỡ nợ lớn trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đang cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để triệt phá những đối tượng có hành vi gian dối trong việc cho vay nặng lãi. Đã đến lúc người dân cần tỉnh táo, cảnh giác với thủ đoạn cho vay hoặc trả lãi vay cao của các chủ nợ và sự nguy hiểm của hoạt động tín dụng đen.
Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định: “Hành vi cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định (vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định) từ mười lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột” có thể phải chịu hai khung hình phạt:
- Khung cơ bản có mức hình phạt tiền bằng từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.
- Khung tăng nặng có mức hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm được áp dụng cho các trường hợp thu lợi bất chính lớn. |
|