Thực hiện Thông tư liên tịch số 10, thời gian qua, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh ta đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm.
Để triển khai Thông tư liên tịch, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đặt Bảng thông tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ… trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cung cấp mẫu đơn, giấy tờ có liên quan đến TGPL cho người tiến hành tố tụng để kịp thời cung cấp cho người được TGPL.
|
Một số cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa coi trọng trách nhiệm phối hợp TGPL theo nội dung mà Thông tư liên tịch số 10 đã đề ra.
- Trong ảnh: TGV Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (người đứng bên phải) tham gia tranh tụng tại phiên tòa. |
Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường công tác thông tin, truyền thông pháp luật về TGPL đến với nhân dân; tiến hành cử người tham gia tố tụng, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng và nghiệm thu vụ việc TGPL đã hoàn thành; thực hiện chi trả thù lao cho luật sư cộng tác viên (CTV) cũng như phụ cấp vụ việc cho trợ giúp viên (TGV) pháp lý.
Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28.12.2007 của Liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nhằm thực hiện đúng và thống nhất các quy định của Luật TGPL trong hoạt động tố tụng.
Thông tư liên tịch gồm những nội dung chính như trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ, Trung tâm và chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước (thực hiện theo Điều 7 Luật TGPL); cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng (thực hiện theo Điều 39 Luật TGPL); các hoạt động phối hợp về TGPL trong các giai đoạn của tố tụng (thực hiện theo khoản 3 Điều 21; Điều 29; Điều 39; khoản 3 Điều 43 Luật TGPL)... |
Sau 4 năm triển khai, phần lớn các Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND, TAND, trại tạm giam, nhà tạm giữ… trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt trách nhiệm được quy định trong thông tư; cũng như Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành. Khi thụ lý các vụ án hình sự, các điều tra viên giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can và các đương sự (nhất là người chưa thành niên và trẻ em) biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng; quyền được TGPL, hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin để được giúp đỡ miễn phí.
Tuy nhiên, theo một cán bộ của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh: Vẫn còn một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm mà nội dung Thông tư liên tịch số 10 đã đề ra. Có nhiều trường hợp, cơ quan tố tụng chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, bản sao bản án, quyết định tố tụng.
Khi đưa vụ án ra xét xử, cơ quan tố tụng không ghi quan điểm, luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của TGV pháp lý, luật sư CTV. Đặc biệt, có trường hợp, Tòa án không đồng ý để TGV tham gia bào chữa cho người được TGPL (mặc dù Giám đốc Trung tâm TGPL đã có quyết định cử TGV tham gia).
Ngoài ra, việc giải thích về quyền được hưởng TGPL cho người thuộc diện TGPL; hướng dẫn họ đến với các tổ chức thực hiện TGPL còn hạn chế. Một số cơ quan tiến hành tố tụng chỉ giới thiệu người chưa thành niên phạm tội đến Trung tâm TGPL; còn người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng liên quan đến các vụ việc dân sự, hành chính... chưa được quan tâm, giới thiệu.
Trong thời gian tới, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thực hiện đúng những quy định của pháp luật về TGPL, trong đó có Thông tư liên tịch số 10. Có như vậy, công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng mới đem lại kết quả tốt; thực sự giúp đỡ người được TGPL hưởng chính sách trợ giúp miễn phí mà Nhà nước đã quy định.
|