Những năm gần đây, trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh ta, tình hình tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên (NCTN) có chiều hướng gia tăng. Do đó, việc thành lập tòa án (TA) chuyên biệt xét xử cho NCTN là hết sức cần thiết; góp phần hoàn thiện hệ thống tư pháp nói chung.
Người phạm tội ngày càng trẻ
Thời gian gần đây, dư luận trong tỉnh hết sức bàng hoàng khi đón nhận thông tin về những vụ án đặc biệt nghiêm trọng do NCTN gây ra. Điển hình như vào tháng 3.2011, chỉ vì ghen tuông mù quáng mà Huỳnh Đông Hải (học sinh lớp 9, SN 1996, trú TP Quy Nhơn) đã giết chết em Đoàn Thanh Trí (SN 1995, ở TP Quy Nhơn, cũng là một học sinh lớp 9). Tháng 4.2011, Nguyễn Đức Thương (SN 1995, trú xã Phước An, huyện Tuy Phước) vô cớ chặn xe một nhóm thanh niên đang đi trên đường, dùng cây đánh khiến Trần Ngọc Vàng (SN 1996, trú thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) tử vong. Hoặc Phạm Thanh Huy (SN 1995, trú TP Quy Nhơn) do thường xuyên lén lút xem phim kích dục nên khoảng từ đầu tháng 9.2010 đến ngày 28.4.2011 đã 4 lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu H.T.T (SN 1998, trú TP Quy Nhơn).
|
Việc thành lập một TA chuyên biệt cho NCTN là hết sức cần thiết.
- Trong ảnh: Các bị cáo là NCTN được TAND tỉnh đưa ra xét xử trong năm 2011. |
Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do NCTN gây ra. Theo thống kê của Viện KSND tỉnh Bình Định, từ năm 2006 - 2010, toàn tỉnh có 800 bị can là NCTN phạm tội hình sự; số đối tượng là NCTN phạm tội bị khởi tố trong năm 2010 tăng 2,4 lần so với năm 2006. Cụ thể: năm 2006 xảy ra 50 vụ với 89 bị can; năm 2007 có 74 vụ với 129 bị can; năm 2008 xảy ra 114 vụ với 200 bị can; năm 2009 có 102 vụ với 165 bị can và năm 2010 đã xảy ra 101 vụ với 217 bị can.
Cần có tòa án chuyên biệt cho NCTN
Có thể thấy, tình trạng tội phạm là NCTN đang là mối lo chung của toàn xã hội. Thế nhưng, trong quá trình áp dụng pháp luật đối với các đối tượng này còn một số vướng mắc, dẫn đến hiệu quả hoạt động xét xử cũng như tác dụng răn đe, giáo dục chưa được như mong muốn.
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII mới đây, khi thảo luận về Luật Tố cáo và Luật Phòng chống tội phạm, đại biểu Quốc hội Đặng Công Lý - Chánh án TAND tỉnh - đã đề xuất ngành TA phải thành lập một TA chuyên biệt cho các đối tượng NCTN nhằm đáp ứng những nguyên tắc ứng xử với NCTN vi phạm pháp luật; đảm bảo các quyền của trẻ em, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. |
Luật sư Nguyễn Văn Triết, Văn phòng luật sư Triết và cộng sự, cho biết: Bộ luật Hình sự năm 1999 dành hẳn một chương (chương X, từ điều 68 đến điều 77) để quy định nguyên tắc xử lý đối với NCTN phạm tội. Theo đó, các biện pháp tư pháp và các hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Thế nhưng thực tế hiện nay, các phiên tòa xét xử NCTN cũng giống với xét xử người thành niên cho dù NCTN cần có môi trường xét xử thân thiện hơn. Ngoài ra, pháp luật hiện cũng chưa có sự phân biệt quy định trình tự, thủ tục phiên tòa xét xử đối với bị cáo, người bị hại và người làm chứng là NCTN. Do đó, các đối tượng là NCTN vẫn bị áp dụng trình tự, thủ tục chung, ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý của họ.
Theo một kiểm sát viên nhiều năm công tác tại Phòng Trị an - an ninh, thuộc Viện KSND tỉnh: Một trong những mục đích đặt ra tại các phiên xét xử NCTN là nhằm cảm hóa họ ngay từ phiên tòa. Do vậy, để tạo môi trường xét xử thân thiện, đáp ứng những yêu cầu bảo vệ và thúc đẩy các quyền của trẻ em thì việc thành lập TA chuyên biệt cho NCTN và ban hành văn bản pháp luật tố tụng đặc biệt riêng tương ứng là điều hết sức cần thiết.
|