|
Một em nhỏ đang xin tiền tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Tất Thành. |
Hiện nay, trên địa bàn TP Quy Nhơn xuất hiện một nhóm các em nhỏ thường xuyên quanh quẩn ở các quán cà phê, quán cơm, quán nhậu… để xin ăn. Nhìn những hình ảnh này, nhiều người không khỏi nhói lòng…
Cứ tầm 8 giờ sáng và 5 giờ chiều trở đi, tại các quán cà phê, quán nhậu và những nơi đông người trên địa bàn TP Quy Nhơn, xuất hiện một nhóm trẻ gồm khoảng 3-5 em lang thang đi ăn xin. Các em đi hết bàn này đến bàn khác để xin tiền. Qua tìm hiểu được biết, các em nhỏ này thuộc hộ nghèo ở các vùng ngoại ô thành phố, hoặc các huyện lân cận, phần lớn từ 7-9 tuổi và tất cả đều không được đi học.
Ngày 20.11.1989, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước vào ngày 20.2.1990. Nội dung Công ước có nêu: Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc. Cấm lợi dụng trẻ em, buộc các em đi làm ăn xin, hoặc làm việc vì lợi ích riêng của người lớn… |
Dù còn nhỏ tuổi và không biết chữ, nhưng khi được người lạ hỏi thăm, các em khá dè dặt trong câu trả lời. Hình như các em đã được “huấn luyện” cẩn thận trước khi đi ăn xin(!). Gần như tất cả các em đều có chung câu trả lời là nhà rất nghèo, không có gạo ăn nên phải theo “bà ngoại” đi xin. Tuy nhiên, khi hỏi “bà ngoại” đang ở đâu, các em đều im lặng, bỏ đi. Một số em cho biết, hàng ngày kiếm được khoảng 30.000 đồng/ngày, ngày nhiều có thể kiếm được 50.000-100.000 đồng. Tất cả số tiền các em xin được đều phải nộp lại cho “bà ngoại”.
Nhìn những đứa bé chân không mang dép, đầu không đội mũ, quần áo rách rưới, mặt mũi lấm lem, lang thang từ đường này đến đường khác để xin ăn, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Lẽ ra, ở lứa tuổi này, các em phải được gia đình, cha mẹ yêu thương, chăm sóc. Thế nhưng, vì hoàn cảnh nghèo khó hay vì một lý do nào đó, các em phải tự kiếm sống bằng cách… đi ăn xin!
|