|
Chị Tạ Thị Hiền thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, lo lắng và động viên chị Lụa - bé Nhung (bị nhiễm HIV) ở Trung tâm. Ảnh: T.Hà |
Chị Tạ Thị Hiền là nữ quản giáo duy nhất tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh. 16 năm trong nghề quản lý, giáo dục các đối tượng là gái mại dâm, nghiện ma túy, chị Hiền luôn tâm niệm: Phải lấy cái tình để đối xử với trại viên, cố gắng khơi mầm thiện nơi họ.
“Những người vào đây, mỗi người một hoàn cảnh. Có người vì gia đình túng thiếu, lỡ bước sa chân; người do ham chơi, thích đua đòi, ăn diện rồi sa ngã. Tùy từng trường hợp mà mình có cách giáo dục, thuyết phục họ hiệu quả. Quan trọng nhất là mình phải biết khơi gợi tình cảm nơi họ…”- chị Hiền nói.
Hẳn nhiên, việc khơi gợi tình cảm là không dễ dàng trong một sớm một chiều mà phải để họ có thời gian thích nghi dần với môi trường mới; rồi tìm cách tiếp cận, thăm hỏi quá trình lao động hàng ngày; quan tâm đến tâm tư, tình cảm của chị em trại viên. Thấy nữ quản giáo dễ gần, tình cảm, các nữ trại viên cũng dần cởi mở hơn.
Điển hình như trại viên Tống Thị Tiền (19 tuổi, quê ở Kiên Giang), những ngày đầu mới vào, tỏ vẻ bất hợp tác. Nhưng chị Hiền đã dần lấy được sự cảm tình của Tiền bằng những quan tâm rất gần gũi, đời thường: “Sao hôm qua, cô không thấy con đi làm. Mới vào, con có bị các chị em khác nói gì không?”. Nay, Tiền đã yên tâm ở lại Trung tâm, chờ đến ngày được hòa nhập cộng đồng. Mỗi khi buồn, cô gái này còn tâm sự với “má Hiền”: “Con nhớ nhà quá, má ơi!”. “Tôi nghĩ, người xấu xa đến đâu đều có sẵn mầm thiện. Bởi thế, ngoài làm đúng nhiệm vụ của mình, cán bộ quản giáo còn phải biết lấy cái tình để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khơi dậy những khát vọng hướng thiện, sớm trở lại hòa nhập cộng đồng…” - chị Hiền đúc kết vậy.
Trong quá trình làm việc, tiếp xúc, chăm sóc các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, chị Hiền đã từng đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm. Trong một lần dẫn các trại viên đi lấy củi, một trại viên bị đứt tay, chị Hiền đã trực tiếp băng bó vết thương cho anh này trong khi tay chân chị cũng bị xây xát. “Sau này, khi biết tin anh Phú (tên trại viên đó - P.V) bị nhiễm HIV/AIDS, tôi lo cả tháng trời. Cũng may kết quả xét nghiệm không có gì”- chị Hiền kể.
16 năm ở Trung tâm, tiếp xúc hàng trăm trại viên, chị nhớ nhất trường hợp nào?”- tôi hỏi. Không đắn đo, chị Hiền trả lời ngay: “Là mẹ con trại viên Tống Thị Hà, vào Trung tâm cách đây gần chục năm”. Hà là gái mại dâm, nghiện ma túy và bị nhiễm HIV, có đứa con gái nhỏ rất xinh tên bé Bột. Giai đoạn Hà chuyển sang AIDS, phải chuyển xuống Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để điều trị. Do Hà sợ trong thời gian mình đi chữa bệnh, không ai chăm sóc con, sợ ai bế con mình đi mất, nên Hà nhất định không chịu ở lại điều trị mà đi bộ từ Bệnh viện về lại Trung tâm. Sau khi mẹ chết, bé Bột được chuyển ra sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Năm 2006, tình cờ thấy một lá thư của Hà gởi về gia đình ở Bình Thuận, chị Hiền đã gởi thư thông báo tình hình hai mẹ con theo địa chỉ này. Một thời gian sau, gia đình của Hà ra Trung tâm, làm thủ tục đón bé Bột về quê.
Chị Hiền tâm sự: “Tôi mong không bao giờ gặp lại các trại viên, vậy mà có trại viên vào - ra đến 7, 8 lần. Năm 2009, một trại viên đã từng ở Trung tâm, nay lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, ghé vào thăm nhà tôi. Chị ta kể, các con có công ăn việc làm tử tế, bản thân đã lên chức bà ngoại. Thấy vậy, tôi cũng mừng cho chị ta. Tiếc là những trường hợp hoàn lương, có cuộc sống dần ổn định như vậy chưa nhiều”.
Ông Nguyễn Đức Cảnh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh: Chị Hiền là nữ quản giáo duy nhất ở Trung tâm. Chị rất tận tâm và có trách nhiệm trong công việc. Chị đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và Giấy khen của Sở LĐ-TB&XH. |
|