Báo Bình Định số ra ngày 24.6 đăng bài: “Vụ đánh ghen tàn bạo ở Tây Sơn: Các hung thủ đều hưởng án treo”, phản ánh diễn biến phiên tòa sơ thẩm (lần thứ hai) của TAND huyện Tây Sơn xét xử vụ đánh ghen của một nhóm chị em trú tại huyện Tây Sơn đối với nạn nhân Trần Thị Thu Tâm (SN 1969, ở cùng địa phương). Sau khi báo ra, nhiều bạn đọc đã gửi thư, email và trực tiếp đến tòa soạn phản ánh sự bất bình trước bản án “chưa tâm phục, khẩu phục” này. Báo Bình Định xin trích đăng một số ý kiến.
* LUẬT GIA NGUYỄN CƯỜNG:
Tòa cho hưởng án treo không đúng quy định
Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2.10.2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, một trong những điều kiện người bị xử phạt tù hưởng án treo là: Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ 2 tình tiết trở lên.
|
Nạn nhân Trần Thị Thu Tâm bức xúc khi nghe TAND huyện Tây Sơn tuyên cả 4 hung thủ gây án đều được hưởng án treo. |
Đối chiếu với quy định trên, việc Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND huyện Tây Sơn tuyên cả 4 chị em bị cáo gồm: Văn Thị Hạnh, Lương Thị Mỹ Hoa, Lâm Thị Trang, Văn Thị Nhung đều được hưởng án treo là không đúng quy định, đặc biệt là trường hợp bị cáo Hạnh cầm đầu và trực tiếp cầm dao lam rạch mặt bị hại (theo nhận định của Hội đồng xét xử), gây thương tích 15%.
Cụ thể, theo tính chất của vụ án, bị cáo Hạnh có ít nhất 2 tình tiết tăng nặng. Thứ nhất, bị cáo Hạnh trực tiếp cầm dao lam rạch mặt bị hại, trường hợp này thuộc tình tiết tăng nặng “dùng hung khí nguy hiểm”. Thứ hai, bị cáo Hạnh là người đứng ra tổ chức, rủ rê và được các bị cáo khác đồng ý đi hành hung bị hại, trường hợp này thuộc tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức”.
Với 2 tình tiết tăng nặng như trên, để được hưởng án treo theo quy định, thì bị cáo Hạnh phải có ít nhất 4 tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND huyện Tây Sơn chỉ dựa trên 3 tình tiết giảm nhẹ gồm: thành khẩn khai báo, nhân thân tốt và khắc phục hậu quả để cho bị cáo hưởng án treo là trái với quy định của pháp luật. Đó là chưa kể, trong 3 tình tiết giảm nhẹ trên, tại phiên tòa xét xử công khai, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã “mớm” cho các bị cáo cùng nhau góp tiền để khắc phục hậu quả ngay tại phiên tòa (không được bị hại chấp thuận), trong khi trước đó, gần 2 năm kể từ ngày gây ra thương tích cho nạn nhân, các bị cáo không hề có lời hỏi thăm, xin lỗi cũng như bồi thường gì cho bị hại.
* ANH MẠC NHƯ CẢNH, Ở THỊ TRẤN PHÚ PHONG, HUYỆN TÂY SƠN:
Tôi thật sự sốc khi phiên tòa sơ thẩm thứ hai xuất hiện nhân chứng mới!
Tôi là người trực tiếp chứng kiến và can ngăn vụ việc chị Trần Thị Thu Tâm bị một nhóm phụ nữ hành hung, rồi dùng dao lam rạch mặt. Sau đó, trong quá trình điều tra vụ án, rất nhiều lần tôi được Công an thị trấn Phú Phong, rồi Công an huyện Tây Sơn mời lên lấy lời khai với vai trò nhân chứng. Nhưng chẳng hiểu vì sao, lần xét xử thứ nhất tôi được mời làm nhân chứng, còn lần xét xử sơ thẩm thứ hai vừa rồi, TAND huyện Tây Sơn không mời tôi làm nhân chứng.
Mặc dù không được Hội đồng xét xử mời đến dự phiên tòa như lần xét xử sơ thẩm thứ nhất, nhưng khi biết tin xét xử sơ thẩm lần thứ hai vụ án mà tôi từng chứng kiến, với trách nhiệm một công dân, tôi vẫn đến khán dự. Dự phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ hai, tôi thật sự sốc khi nghe một nhân chứng “mới rợi” tên Ngô Hùng khai rằng anh ta là người giật kéo từ tay chị Hạnh. Rõ ràng, chính tôi là người vào can ngăn, sau đó, giật kéo từ tay chị Hạnh chứ lúc đó đâu có ai khác. Còn nữa, tôi là người thấy bà Võ Thị Mộng Linh (đi cùng nhóm với 4 bị cáo đến đánh ghen - P.V) cầm dao lam ngay sau khi chị Tâm bị rạch mặt, nhưng chẳng hiểu sao Hội đồng xét xử lại nhận định bị cáo Hạnh là người trực tiếp rạch mặt… Không hiểu sao có chuyện tréo ngoe như vậy xảy ra tại phiên tòa.
* LUẬT SƯ VÕ HỒNG NAM, VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NAM LUẬT:
Không ai bị tù giam là điều kỳ lạ hiếm thấy
Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi đã tham gia bào chữa tại nhiều phiên tòa hình sự tương tự như vụ án chị Trần Thị Thu Tâm bị một nhóm chị em vô cớ đánh ghen. Sau khi đọc Báo Bình Định, tôi thấy các bị cáo tham gia hành hung chị Tâm đều được tòa cho hưởng án treo mà không ai bị tù giam. Đây quả là một điều kỳ lạ. Ở đây, tôi xin phép không đi sâu phân tích về tình tiết của vụ án, mà chỉ nói ở khía cạnh thực tế, tôi đã tham gia nhiều phiên tòa xét xử các vụ án hình sự tương tự, nhưng chưa thấy vụ nào mà một nhóm bị cáo dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho nạn nhân đến 15% nhưng tất cả đều được hưởng án treo.
|