Đại úy Trần Ngọc Sơn, cán bộ an ninh Công an huyện An Lão, đã có 10 năm gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện, tham gia giải quyết nhiều vấn đề về an ninh trật tự ở địa phương, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho bản làng.
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh, anh Sơn về nhận công tác tại Đội An ninh Công an huyện An Lão. Với một địa bàn phức tạp về địa hình, đi lại khó khăn, có nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống trong cùng một xã, thậm chí một làng… anh Sơn đã kiên trì cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào để nắm bắt tình hình. Nhờ đó, anh đã có những đề xuất với Đội An ninh các biện pháp cụ thể nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả những tập tục lạc hậu như tệ “cầm đồ thuốc độc”, “cúng bóp trứng gà”, “ma găm”…
|
Bà con vui vẻ trò chuyện và giúp Đại úy Trần Ngọc Sơn nắm chắc tình hình địa bàn miền núi. Ảnh: Khoa Văn |
Không chỉ các tập tục lạc hậu, có thời gian, trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão còn xuất hiện hiện tượng tiêu cực, đó là hành vi tự kết liễu đời mình khi gặp phải những vấn đề khó khăn, buồn chán. Tự tử đã có lúc trở thành tệ nạn xã hội, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân; các ngành chức năng của huyện đã phải tập trung giải quyết, ngăn chặn. Là trinh sát an ninh, Đại úy Sơn có nhiệm vụ tham mưu lãnh đạo các biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn tệ nạn này. Do vậy, anh đã xây dựng cho mình kế hoạch nắm tình hình, tham mưu cho lãnh đạo biện pháp, nội dung động viên, giáo dục và thực hiện việc động viên, giáo dục do chính mình vạch ra. Một thời gian dài, anh Sơn như con thoi, đi lại khắp các làng, động viên, hướng dẫn mọi người chung sức chung lòng đấu tranh ngăn chặn tệ tự tử.
Sự kiên trì của anh Sơn đã tạo nhiều thuận lợi để các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động thuyết phục bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; nỗi buồn của bất cứ ai cũng được giãi bày, chia sẻ, không để người nào có cảm giác bị bỏ rơi, cô độc. Hiệu quả mang lại của những việc làm trên thật đáng mừng, khi số vụ tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm dần. Nếu trước đây, có năm trên địa bàn huyện xảy ra 10 vụ, thì nay thỉnh thoảng mới xảy ra một vụ.
Với sự tận tụy, hết lòng vì sự bình yên trên địa bàn miền núi, anh Sơn nay đã như con em của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Bà con luôn tin yêu và sẵn sàng nghe anh nói và làm theo những gì anh bảo. Đó là niềm vui lớn nhất mà Đại úy Trần Ngọc Sơn có được sau 10 năm gắn bó với đồng bào.
|