Vụ cháy tại cơ sở sửa chữa ô tô Trường Vinh (thôn An Hòa, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn) tháng 6 vừa qua gây thiệt hại trên 5 tỉ đồng là lời cảnh báo về mất an toàn phòng cháy chữa cháy ở những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Theo kết luận của phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do công nhân trong quá trình hàn điện không được đảm bảo an toàn. Qua làm việc với chủ ga-ra được biết, tại đây không có bất kỳ dụng cụ, phương tiện chữa cháy nào, từ nước, cát đến bình chữa cháy theo quy định và những người thợ làm việc tại đây cũng không có chút kiến thức gì về chữa cháy. Do vậy, khi xảy ra sự cố, công nhân hoảng loạn nên không thể dập tắt được ngọn lửa, dù phát hiện ngay từ ban đầu. Vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng làm mất tiền tỉ là một cái giá quá đắt so với đầu tư PCCC ban đầu.
|
Lực lượng Công an đang kiểm tra công tác PCCC tại một ga-ra sửa chữa ô tô. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 40 ga-ra sửa chữa ô tô. Trung bình một ga-ra có ít nhất từ 4 thợ làm công trở lên. Hầu như địa phương nào cũng có vài cơ sở sửa chữa ôtô. Một điều rất lo ngại là ở những cơ sở này nguy cơ cháy nổ rất cao như sử dụng hàn điện, mài điện, các loại vật liệu dễ cháy như đệm mút dùng để bọc ghế hoặc dán bên trong thành xe… Thế nhưng, công tác PCCC gần như bị bỏ quên. Chỉ một số ít cơ sở có chú trọng đến công tác này, một số thực hiện theo kiểu đối phó với cơ quan chức năng và số còn lại “ba không” (không dụng cụ, phương tiện chữa cháy; không có người làm công tác chữa cháy và không kiến thức về PCCC).
Tại thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn có 8 cơ sở sửa chữa ô tô nằm trong khu công nghiệp Gò Đá Trắng. Qua kiểm tra, chỉ một số ít cơ sở có ý thức tốt về PCCC. Đó là cơ sở Năm Đẩu do ông Phan Thanh Châu làm chủ; mỗi năm nhận đại tu, trùng tu và sửa chữa nhỏ khoảng 100 đầu xe. Để phòng ngừa cháy nổ trong quá trình sản xuất, ông Châu luôn nhắc nhở công nhân thực hiện tốt các quy định như không hút thuốc, vứt tàn thuốc bừa bãi, kiểm tra an toàn về điện trước khi sản xuất. Ông Châu đã mua 6 bình chữa cháy đặt tại các vị trí dễ thấy, dễ lấy; đồng thời, cử người dự các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC do Công an tỉnh tổ chức. Ông cho biết, trước đây cơ sở đã xảy ra một vụ cháy nên rất thấm thía về bài học này. Vì vậy, công tác PCCC được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, cách đó vài trăm mét, cơ sở Hùng Minh do ông Nguyễn Hùng Minh làm chủ lại chưa thực hiện tốt công tác này. Cơ sở có trang bị 2 bình chữa cháy nhưng không còn tác dụng; 3 công nhân làm việc đều chưa được tập huấn về nghiệp vụ PCCC. Do vậy, nếu xảy ra cháy nổ chắc chắn hiệu quả chữa cháy không cao.
Nguy cơ cháy tại các ga-ra sửa chữa ô tô và các cơ sở sản xuất có sử dụng điện, các chất dễ gây cháy là thực trạng đáng báo động. Các chủ cơ sở cần thay đổi nhận thức và hành động đối với công tác PCCC. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý đối với những cơ sở, ga-ra thiếu chú trọng công tác này.
|