Ông Phan Lâm Hơn cùng với hơn 10 người khác được Nhà nước giao khoán đất tại xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn) để trồng rừng theo Dự án PAM. Tuy nhiên, khi cây đến giai đoạn trưởng thành, một số người dân địa phương đã ngang nhiên vào rừng khai thác, mua bán (!).
Ngang nhiên khai thác
Năm 1994, ông Phan Lâm Hơn (hiện trú tại 133 Phan Đình Phùng, TP Quy Nhơn) cùng hơn 10 người khác được Nhà nước giao khoán gần 80 ha đất (thời gian sử dụng 50 năm) tại xã Hoài Mỹ để trồng rừng theo Dự án PAM. Ông Hơn cùng với những hộ được giao khoán tiến hành trồng rừng kinh tế (trồng hỗn giao bạch đàn và keo theo tỉ lệ 7/3).
|
Một số đối tượng tự ý thuê nhân công vào khu vực rừng của ông Hơn và các hộ để khai thác cây. |
Theo ông Hơn: Khi cây sắp đến chu kỳ khai thác, một số người dân địa phương đã lén lút trồng xen cây của họ vào diện tích rừng của ông và các hộ khác với mục đích “đánh dấu lãnh thổ” mà thực chất là lấn chiếm đất rừng đã có chủ. Khi cây trưởng thành, họ công khai vào khu vực đã “đánh dấu” để khai thác, mua bán (!)
Năm 2005, khi cây đến chu kỳ khai thác lần hai, ông Nguyễn Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Thắm (đồng trú ở thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ) đã thuê người chặt, đốt phá của ông Hơn 60 ha cây bạch đàn đang thời kỳ khai thác. Sau đó, ông Dũng, bà Thắm còn thuê người tiếp tục đào lỗ tại diện tích nói trên để trồng xen cây vào. Tiếp đó, vào chu kỳ khai thác lần ba và lần tư (năm 2007 và 2011), một số người dân sống tại 2 xã Hoài Mỹ và Hoài Đức lại tiếp tục công khai vào rừng của ông Hơn và các chủ rừng khác để khai thác, mua bán. Tổng diện tích rừng của ông Hơn và các chủ rừng bị xâm hại, khai thác là hơn 26 ha; thiệt hại gần 600 triệu đồng.
Ông Hơn bức xúc: “Chúng tôi ngăn cản thì họ hăm dọa, đòi đánh và cho rằng cây họ trồng nên họ có quyền mua bán. Điều này hết sức phi lý, bởi họ có được Nhà nước giao đất đâu mà trồng cây?”.
Cơ quan chức năng:
Chỉ kiểm tra hiện trường
Tất cả những lần bị xâm hại nói trên, ông Hơn cùng các chủ rừng đều gửi đơn đến các cơ quan chức năng từ xã đến huyện, tỉnh để nhờ can thiệp, giúp đỡ. Tuy nhiên, theo ông Hơn: “Vụ việc chỉ dừng lại ở mức độ cán bộ Kiểm lâm địa bàn và đại diện UBND xã Hoài Mỹ đến kiểm tra hiện trường khai thác; các cơ quan chức năng cấp huyện, tỉnh chỉ thông báo là đã nhận được đơn chứ chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm”.
|
Các hộ khai thác cây thuộc Dự án PAM dùng xe vận chuyển gỗ đi tiêu thụ. |
Tháng 9.2005, sau khi kiểm tra diện tích rừng của ông Hơn bị xâm hại, UBND xã Hoài Mỹ chỉ đề nghị các đối tượng ngừng việc chặt, đốt phá cây và đào lỗ chứ không có biện pháp xử lý số người vi phạm. Tháng 1.2006, Công an huyện Hoài Nhơn xác định “không có dấu hiệu tội phạm xảy ra” đối với hành vi mà ông Dũng và bà Thắm đã thực hiện. Tháng 7.2007, UBND huyện Hoài Nhơn hướng dẫn ông Hơn gửi đơn đến Công an huyện Hoài Nhơn để được thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Năm 2011, có rất nhiều biên bản kiểm tra hiện trường được Kiểm lâm địa bàn và UBND xã Hoài Mỹ lập khi người dân địa phương lại tự ý vào rừng khai thác, mua bán. Và cũng như những lần trước, vụ việc chỉ dừng lại ở mức độ “kiểm tra, lập biên bản”; còn rừng của ông Hơn và các chủ khác vẫn tiếp tục bị người khác “xẻ thịt”.
Sớm giải quyết dứt điểm vụ việc
Luật sư Nguyễn Văn Triết, Văn phòng Luật sư Triết & cộng sự: Nếu diễn biến vụ việc đúng như trình bày của ông Phan Lâm Hơn, các đối tượng tham gia khai thác cây thuộc Dự án PAM có thể phạm vào tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự. |
Đến thời điểm tháng 7.2011, tình trạng một số đối tượng vào rừng để khai thác, mua bán cây vẫn tiếp tục diễn ra. Ngoài ra, người dân địa phương còn ngang nhiên vào khu vực trồng rừng dự án để khai thác đất. Nhiều diện tích đất rừng bị đào bới, tạo ra những hố sâu, rất dễ gây ra tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa.
Ông Phạm Thể, Phó Trưởng thôn Xuân Vinh, cho biết: Tình trạng nói trên là có thật. Hiện có khoảng 70 hộ dân ở 2 thôn Xuân Vinh và Phú Xuân (xã Hoài Mỹ) thường xuyên vào rừng khai thác, mua bán số cây do ông Hơn trồng trước kia.
Còn theo ông Nguyễn Thế Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ: Những năm mới trồng rừng, công tác quản lý của ông Hơn không tốt nên một số người dân địa phương tự ý vào chiếm dụng đất; sau đó, họ trồng cây trên diện tích đó, dẫn đến việc tranh chấp cây như hôm nay.
Ngày 26.4.2011, một tổ công tác gồm đại diện Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn và UBND xã Hoài Mỹ được thành lập để giải quyết vụ việc nêu trên. Ông Trần Trung Miên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, cho biết: Hiện tổ công tác đang trong quá trình điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc. Sau khi có kết luận điều tra, những đối tượng, cá nhân nào sai phạm đến đâu, cơ quan chức năng sẽ xử lý đến đó để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp các bên có liên quan.
|