Không ít trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài không vì tình yêu mà vì một lý do nào đó, khi “mộng không thành”, người trong cuộc muốn ly hôn không hề dễ bởi nửa kia bên trời Tây bỗng dưng “biệt tích”, thay đổi địa chỉ, không thể liên lạc được hay cố tình trốn tránh, không muốn ly hôn…
Kết hôn ngắn ngày, xa nhau thăm thẳm
Điểm chung nhất và dễ thấy của các vụ ly hôn này là họ kết hôn chủ yếu thông qua sự mai mối, giới thiệu của họ hàng, bạn bè gia đình hai bên, giáp mặt thấy “tàm tạm” là ưng nhau. Thời gian từ lúc biết nhau đến khi cưới rất ngắn, chỉ độ vài tháng, thậm chí có trường hợp chỉ biết nhau trong vòng một tháng. Sau thời gian kết hôn, chàng hoặc nàng trở về nước. Ban đầu vẫn thư từ tin tức qua lại, sau lơi dần rồi “mất tích” hẳn. Chờ mãi không được, người ở bên này quyết định xin ly hôn.
|
Kết hôn có yếu tố nước ngoài không vì tình yêu mà vì một lý do nào đó, khi “mộng không thành”, việc ly hôn sẽ rất khó khăn nếu như bị đơn “biệt tích”… (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Nguồn: Internet |
Đơn cử như trường hợp của chị N.T.N.V (TP Quy Nhơn) quen anh K.P (Việt kiều Mỹ) qua sự giới thiệu của anh trai V. từ năm 2006. Tháng 6.2007, họ kết hôn. Một tháng sau, K.P về lại Mỹ. Hai vợ chồng sau đó vẫn liên lạc với nhau, nhưng đến tháng 8.2008 thì dừng hẳn. Tình cảm không còn, K.P cũng không bảo lãnh V. sang Mỹ nữa nên V. yêu cầu ly hôn.
Hay trường hợp anh Đ.D.T (SN 1977) và chị N.T.H (SN 1970, là Việt kiều Mỹ), kết hôn năm 2006, sau đó, chị H. trở lại Mỹ. Khi anh T. bị từ chối cấp hộ chiếu vào Mỹ thì tình cảm giữa họ lạt lẽo hẳn. Chị H. không còn quan tâm đến anh T. nữa, bởi vậy, anh T. xin ly hôn.
Đầu năm 2011 đến nay, TAND tỉnh đã giải quyết 15 vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Trước đó năm 2010, Tòa thụ lý 17 vụ, giải quyết 18 vụ; năm 2009: thụ lý 18 vụ, giải quyết 12 vụ. Phần lớn các vụ ly hôn đều do phụ nữ làm nguyên đơn.
Chị Khổng Lan Hương, thư ký TAND tỉnh, cho biết thêm: “Hầu hết các cặp vợ chồng này đều qua mai mối, thời gian từ lúc gặp đến lúc cưới rất ngắn ngủi nên hầu như không có tình cảm với nhau. Thậm chí có trường hợp chỉ là “kết hôn giả” với mục đích để được xuất ngoại, nên khi “mộng không thành” vì một lý do nào đó, người ở lại xin ly hôn, mong được “giải thoát” khỏi cuộc hôn nhân”.
Khó giải quyết khi bị đơn “biệt tích”
Bà Hồ Tuấn Anh, Chánh án Tòa Dân sự TAND tỉnh, nhận xét: “Với những cuộc ly hôn có yếu tố nước ngoài, khó nhất là những trường hợp bị đơn (thường là người nước ngoài, Việt kiều) thay đổi chỗ ở liên tục, không có địa chỉ cụ thể để Tòa gởi thông báo đến cho bị đơn biết; hoặc có khi bị đơn cố tình trốn tránh, không muốn ly hôn. Những trường hợp như thế rất khó giải quyết hoặc nếu giải quyết được cũng phải rất lâu, chờ đợi hàng năm…”.
Cụ thể như vụ ly hôn của chị L. ở Quy Nhơn kết hôn với anh chồng người Đức. Họ kết hôn năm 2007 do mai mối, giới thiệu; sống với nhau được một tháng thì chồng về nước. Từ đó, chị L. bặt tin chồng. Dù đã nhiều lần chị L. nhờ người mai mối tìm cách liên lạc với chồng nhưng vẫn không có kết quả. Chị L. làm đơn xin ly hôn từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa xong vì không tìm được địa chỉ nơi đang sống của người chồng. Về trường hợp này, chị Hương giải thích thêm: “Chúng tôi đã tiến hành ủy thác tư pháp gởi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Đức song vẫn chưa thấy công văn trả lời nên chưa thể nào giải quyết được vụ việc cho nguyên đơn được…”.
Có những vụ ly hôn trở nên phức tạp do sự bất cẩn của chính nguyên đơn vì họ không tìm hiểu kỹ “đối tác” của mình về nhân thân, địa chỉ... Khi một nửa bỗng dưng “biệt tích”, bản thân nguyên đơn không chỉ thiệt thòi mà còn gây khó khăn, tốn kém về thời gian, công sức cho Tòa án. Trong trường hợp này, nguyên đơn phải tiếp tục chờ đợi… hàng năm, chờ đến khi vụ việc giải quyết xong trong khi tuổi xuân, cơ hội kết hôn cứ lần lượt qua đi. Bởi vậy, có trường hợp nguyên đơn đã tích cực theo dõi lịch trình đi - về của “người xưa” khi về nước thăm nhà, sau đó, báo cho Tòa án biết để kịp thời đưa ra xét xử trong thời gian họ còn ở trong nước.
Có trường hợp, sau một thời gian chờ đợi mỏi mòn, đến khi mọi thủ tục ly hôn đã hoàn tất, nguyên đơn không thể không thở phào nhẹ nhõm và hỏi ngay tại tòa rằng: “Bây giờ, tôi đã có thể kết hôn với người khác được chưa?”…
|