Chỉ vì vụ lợi, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, để rồi phải trả giá đắt cho những việc mình đã gây ra.
Cố ý làm trái để “tư túi”
Năm 1999, nguyên Hiệu trưởng Trần Tín Kiệt giao Phòng Bảo vệ nội trú do Trần Xuân Cảnh - khi đó là Trưởng phòng và Lê Văn Phúc - Phó Trưởng phòng, làm nhiệm vụ giữ xe và thu phí giữ xe tại Trường Đại học Quy Nhơn. Dù Nhà nước đã có những quy định cụ thể về thu phí và lệ phí đối với tổ chức, cá nhân như Nghị định số 57/2002/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3.6.2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí; Quyết định 32/QĐ-UB của UBND tỉnh ban hành ngày 24.2.2003 quy định mức thu phí giữ xe và tỉ lệ để lại đơn vị giữ xe; Công văn số 428 ngày 17.4.2003 của Cục Thuế Bình Định hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí giữ xe… nhưng các ông Kiệt, Cảnh, Phúc đã cố tình “làm ngơ”.
|
Bị cáo Cảnh, Phúc tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 25.8.2011. |
Được ông Kiệt “bật đèn xanh”, Cảnh, Phúc đã phớt lờ các quy định trên, làm theo “luật” mà họ tự đặt ra. Vào đầu mỗi học kỳ, căn cứ vào đăng ký gửi xe theo học kỳ của sinh viên, Phòng Bảo vệ nội trú thu tiền giữ xe theo mức phí mà UBND tỉnh quy định (từ 20.000-30.000 đồng/xe đạp; 40.000-75.000 đồng/xe máy). Khi thu tiền, Phòng Bảo vệ nội trú thu trực tiếp chứ không viết phiếu; sau đó, giao cho thủ quỹ quản lý. Ngoài ra, Cảnh và Phúc cũng “ém” toàn bộ số tiền thu được từ phí giữ xe theo lượt ra - vào cổng.
Cả hai khoản tiền trên, Cảnh, Phúc chủ yếu chi “bồi dưỡng” cho các “sếp” (hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, các trưởng phòng) của Trường và nhân viên giữ xe chứ không nộp vào quỹ nhà trường để quản lý, theo dõi và đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định, dẫn đến thất thoát số tiền trên 943 triệu đồng.
“Tham thì thâm”
Mới đây, ngày 25.8, TAND tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo Kiệt, Cảnh và Phúc về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là lần thứ năm Tòa đưa vụ án ra xét xử (trước đó, Tòa đã hoãn xét xử ba lần, một lần tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung) nên thu hút sự quan tâm của khá nhiều người.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Tín Kiệt có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do bị bệnh và được Tòa chấp thuận nên chỉ còn lại hai bị cáo Trần Xuân Cảnh và Lê Văn Phúc. Cảnh và Phúc cho rằng, do năng lực yếu kém nên họ làm theo những gì Kiệt chỉ đạo chứ bản thân không có chủ ý làm trái nên khép vào tội “Cố ý làm trái” là oan (?!). Luật sư bào chữa cho Kiệt cũng cho rằng, bị cáo chỉ “thiếu trách nhiệm” chứ không “cố ý làm trái” và đề nghị Hội đồng xét xử xét lại tội danh đối với bị cáo Kiệt.
Tuy nhiên, với những chứng cứ mà đại diện Viện KSND đưa ra, chủ tọa phiên tòa khẳng định: Truy tố các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người, đúng tội và có căn cứ. Do đó, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã tuyên phạt Trần Tín Kiệt 15 tháng tù giam; Trần Xuân Cảnh 15 tháng tù giam và Lê Văn Phúc 12 tháng tù giam; đồng thời, tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường tổng số tiền trên 943 triệu đồng (Trần Tín Kiệt bồi thường 79 triệu đồng, Trần Xuân Cảnh và Lê Văn Phúc mỗi bị cáo bồi thường trên 432 triệu đồng) đã thất thoát.
|