Hội nghị giao ban 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo ANTT tại địa bàn giáp ranh giữa Công an (CA) huyện An Lão (Bình Định), Kbang (Gia lai) và Ba Tơ (Quảng Ngãi) vừa tổ chức tại huyện An Lão. Theo đánh giá tại Hội nghị, thời gian qua, tình hình ANTT tại địa bàn giáp ranh 3 huyện tiếp tục ổn định; tuy nhiên, có một số hiện tượng tiêu cực xã hội cần tập trung giải quyết nhằm giữ vững bình yên ở khu vực tam giác này.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Từ tháng 6.2010 đến nay, các huyện An Lão (Bình Định), Kbang (Gia Lai) và Ba Tơ (Quảng Ngãi) tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 30A của Chính Phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, nhờ vậy đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội của các địa phương. Trong đó, nhiều công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm xá được đầu tư xây dựng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên. Kết quả đó đã tác động đến ý thức trách nhiệm của nhân dân, động viên mọi người tích cực tham gia giữ gìn ANTT.
|
Hội nghị giao ban thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo ANTT tại vùng giáp ranh. |
Mặt khác, nhờ tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai đồng bộ công tác phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, CA các huyện An Lão, Kbang, Ba Tơ đã phòng ngừa, làm giảm phạm pháp hình sự. Từ tháng 6.2010 đến nay, xảy ra 32 vụ (giảm 13 vụ so với cùng kỳ năm trước). Cơ quan điều tra CA 3 huyện đã khởi tố 12 vụ vi phạm pháp luật, 14 bị can, 20 vụ còn lại xử lý hành chính.
Trong năm qua, điều đáng quan tâm ở địa bàn giáp ranh là tình trạng tiêu cực xã hội như tự tử, cầm đồ thuốc độc. Các hiện tượng này đã trở thành vấn đề quan ngại của các cấp chính quyền và nỗi lo lắng trong nhân dân. Theo thống kê của các địa phương, nạn tự tử xảy ra trên địa bàn huyện An Lão 6 vụ, huyện Kbang 12 vụ, làm chết 6 người; nạn nghi cầm đồ thuốc độc xảy ra 2 vụ tại Ba Tơ. Nạn nhân trong những vụ nghi kỵ này là bà Phạm Thị Nhân (SN 1946) và anh Phạm Văn Lê (SN 1967) cùng ở xã Ba Trang, Ba Tơ bị chính bà con trong làng dồn đuổi phải lánh nạn sang huyện An Lão.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện An Lão, tình trạng người dân tộc thiểu số đến các tỉnh khác làm thuê, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên ngày càng nhiều, trong đó phần đông là thanh niên. Từ tháng 6.2010 đến nay, đã có trên 300 thanh niên; trong đó, 250 người đến từ các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đắc Nông… làm thuê. Một số ít người bị lừa phỉnh, bị bóc lột sức lao động, bị đưa đến làm việc tại những nơi nguy hiểm, thậm chí có 4 người bị lén lút đưa sang Camphuchia làm thuê. Tình trạng đó cần phải được ngăn chặn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, phòng ngừa kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ để thực hiện ý đồ chống phá cách mạng, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT.
Hội nghị giao ban 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo ANTT địa bàn giáp ranh giữa Công an huyện An Lão (Bình Định), Kbang (Gia Lai), Ba Tơ (Quảng Ngãi) thống nhất sẽ tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, lãnh đạo cả hệ thống chính trị tham gia giữ gìn ANTT, hỗ trợ các lực lượng CA từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt các nội dung quy chế phối hợp. Trong đó, tập trung biện pháp, lực lượng phòng ngừa ngăn chặn nạn tự tử, giải quyết hủ tục cầm đồ thuốc độc; tuyên truyền, giáo dục nhằm quản lý người lao động đi làm thuê ở nước ngoài, không để kẻ xấu lợi dụng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.
|