Nhức nhối nạn mãi lộ - Trả giá “chung chi”
9:48', 6/9/ 2011 (GMT+7)

Hầu hết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra gần đây trên tuyến quốc lộ 1A có liên quan đến các lỗi vi phạm không làm chủ tốc độ, lấn trái, vượt nơi cấm vượt... Trong khi đó, một bộ phận CSGT làm nhiệm vụ trên đường khi phát hiện các lỗi vi phạm đã đòi tiền “làm luật”.

Chiều 30-7, chúng tôi đón chiếc xe tải do tài xế Hải điều khiển từ Bình Định ra Hà Nội. 15g xe lăn bánh qua đèo Cù Mông. Trời bắt đầu mưa tầm tã (ảnh hưởng cơn bão số 3). Chiếc xe chở gỗ vẫn không giảm tốc độ, “trôi” băng băng qua những khúc cua gấp.

 

Việc nhiều CSGT “làm luật”, đòi hối lộ cong khai ở nhiều địa phương đã làm xấu hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân, khiến dư luận bức xúc.

 

Dính tốc độ, chung tốc hành

Xuống hết đèo, Hải vẫn không giảm tốc độ mà phóng như bay qua khu dân cư đông người. Tôi hỏi “nếu bị dính tốc độ thì sao?”, Hải cho biết áp dụng “luật cưa đôi” mà xử. Ví dụ lỗi dư tốc độ 10-20km/giờ bị xử phạt 1 triệu đồng, nếu chịu “cưa đôi” thì làm luật 500.000 đồng.

21g40 ngày 30-7, xe chúng tôi đến đường tránh TP Quảng Ngãi, “đụng” xe tuần tra 76B-1567 đang lập chốt chặn xe. CSGT tên Nguyễn Văn Thảo thông báo lỗi quá tốc độ 9km (49/40) và hỏi “xe chở gì”. Tài xế nói “gỗ mít, cho làm 1 xị”. Ông Thảo nói “1 xị sao được, riêng gỗ mít đã là 2 xị rồi, còn tiền dư tốc độ 4 xị cưa đôi nữa”. Hải hỏi “tất cả là bao nhiêu sếp”, ông Thảo nói “4 xị”. Hải trả giá “3 xị thôi”, Thảo nhượng bộ “lên làm việc rồi đi”.

Trước đó chiều 22-7, chúng tôi lên một xe du lịch từ Quảng Bình đi Hà Tĩnh. Đến km528 quốc lộ 1A, thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), xe chúng tôi bị tổ xử lý vi phạm tốc độ chặn lại. Trung úy Nguyễn Văn Nam thông báo lỗi quá tốc độ 56/50. Một người tên Tiến nói: “Tôi lập biên bản giữ giấy tờ ông nhé”.

Tài xế xin giải quyết nhanh. Ông Tiến ra giá “300”. Tài xế xin bớt, ông Tiến “thôi, hai trăm”. Tài xế móc bóp lấy 200.000 đồng đưa cho ông Tiến. Tiếp đó chiều 31-7, cũng tại địa điểm này, viên đại úy CSGT không đeo bảng tên chặn một xe tải vượt sai quy định. Tài xế nói không để ý biển báo. CSGT ra giá: “Làm 300. Lỗi này đúng ra phạt từ 600-800 cơ”. Tài xế năn nỉ cho làm 200, CSGT chiếu cố “làm nhanh rồi đi”.

Theo cánh tài xế đường dài, qua đất Quảng Bình nếu bị dính tốc độ thì... chung tốc hành là đi. 15g40 ngày 25-7, chúng tôi theo một xe tải khác từ Hà Nội vào TP.HCM. Đến km630 quốc lộ 1A, Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, xe chúng tôi gặp nhóm CSGT đi xe tuần tra 73B-1627 thổi lại. Một thiếu úy không đeo bảng tên thông báo xe vi phạm tốc độ, lấn tuyến. Tài xế xin bỏ qua. CSGT hỏi “làm bao nhiêu?”, tài xế nói “hai xị được không”. CSGT nói “lỗi này phạt 700, lấy 200 đi xe ôm à”. Tài xế năn nỉ “cho em làm 3 xị”, CSGT nói “làm 4 đi, 3 là đưa vào đó” (3 xị là đưa vào lập biên bản). Tài xế xuống nước “đưa ở đâu?”, CSGT tỉnh bơ “kẹp vào sổ”.

Ở phía nam đèo Lý Hòa (Bố Trạch, Quảng Bình) có cắm bảng hạn chế tốc độ 40 km/giờ. Theo cánh tài xế, một số CSGT đã vin vào lỗi người vi phạm để nhũng nhiễu, làm tiền. Để kiểm chứng, rạng sáng 24-7 chúng tôi theo một xe du lịch từ Hà Tĩnh về Quảng Bình. Đến xã Hồng Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình), xe chúng tôi bị chốt CSGT đi xe tuần tra 73B-2929 chặn lại.

Một CSGT không đeo bảng tên cho biết xe vượt quá tốc độ ở đèo Lý Hòa, phạt 1,5 triệu, lập biên bản mai mốt ra xử lý. Tài xế xin cho “phạt tại chỗ”, CSGT hạ giọng “đề xuất đi, nghe được thì cho đi”. Tài xế xin “làm” 3 xị, CSGT đồng ý “làm đi”. Tài xế móc ví lấy tờ 500.000 đồng đưa cho CSGT, xin thối lại 200.000 đồng. Ông này quát “xin lại hai trăm hả, lập biên bản 2,5 triệu bây giờ”. Nói vậy nhưng CSGT vẫn thối lại cho tài xế 200.000 đồng.

“Hạch” cho ra lỗi để... “làm luật”

4g20 ngày 31-7, từ đèo Phú Gia (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), chúng tôi lên một chiếc xe tải chở 42 tấn gỗ đi Hà Nội (tải trọng thiết kế chỉ 15 tấn). Đến đường tránh Huế, xe bị tổ tuần tra đi xe 75C-7979 ra hiệu tấp vào lề. Ngồi trên xe quan sát, chúng tôi thấy hai CSGT miệt mài chặn xe từ hai chiều để “làm luật”. CSGT (không đeo bảng tên) hỏi “xe chở chi đây”, tài xế nói “gỗ mít”.

Soi đèn pin vào sổ kiểm định, CSGT nói “sao 100 mi” (sao chung có 100.000). Nói rồi CSGT la lớn “lốp sai kích cỡ rồi nì, làm cái biên bản mà đi”. Tài xế than “giấy tờ, bằng lái còn đâu mà lập hả sếp”. CSGT mở đường “làm lại rồi đi”. Tài xế trả treo “hồi nãy chung chốt đầu trong 3 xị rồi, giờ 1 xị là đẹp”. CSGT đứng cạnh xe tuần tra xen vào “3 xị, trạm mô cũng giống nhau hết”. Tài xế kẹp thêm tờ 100.000 đồng đưa cho CSGT này, nói “cho em làm 2 xị”, CSGT cương quyết “3 xị, không tôi phạt đó”. Đến nước này tài xế rút bóp lấy thêm tờ 100.000 đồng đưa tận tay CSGT.

2g ngày 1-8, chúng tôi theo chiếc xe chở 15 khối gỗ gõ đến TP Phủ Lý (Hà Nam) thì gặp chốt CSGT đi ôtô 90B-3999 chặn lại. Một CSGT trẻ hỏi cộc lốc “chở gì”, tài xế nói xạo “gỗ mít”. CSGT liền vạch bạt, dùng đèn pin soi tới soi lui rồi quát “gõ mà bảo là mít à”. Giọng tài xế run run “ra đây hết tiền, em nói xạo để làm nhẹ chút”. Một người tên Cường gằn giọng “cái tội nói dối CSGT là không bao giờ tha”. Tài xế sụt sùi “em biết lỗi rồi, cho em làm luật rồi đi”. Ông Cường quát “đem hết giấy tờ xuống”. Tài xế thú thật “giấy tờ, bằng lái bị công an giữ hết rồi”. Ông Cường dọa “tôi lập ông biên bản quá tải nhá”. Tài xế mếu máo “lần sau em không dám nói dối nữa”.

Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm

Chiều 5-9, trung tướng Phạm Quý Ngọ - thứ trưởng Bộ Công an - đã liên lạc với ban biên tập báo Tuổi Trẻ và cho biết sau khi đọc kỹ bài viết “Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn!” trên Tuổi Trẻ ra cùng ngày, ông đã chỉ đạo văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (phía Nam) của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) có kế hoạch làm việc với ban biên tập báo Tuổi Trẻ. Mục đích làm việc, theo trung tướng Phạm Quý Ngọ, là để đề nghị báo Tuổi Trẻ hỗ trợ cung cấp các thông tin, bằng chứng cụ thể cho cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm khắc những cán bộ, chiến sĩ có sai phạm.

Cùng ngày, lãnh đạo Trung tâm thông tin báo chí (Bộ Công an) và đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã liên hệ với báo Tuổi Trẻ để đề nghị báo hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin nhằm báo cáo đầy đủ lãnh đạo Bộ Công an, cũng như giúp Công an tỉnh Thanh Hóa có đủ tài liệu, bằng chứng cần thiết trong việc kiểm điểm, xử lý cán bộ, chiến sĩ có sai phạm.

Ông Cường hỏi: “Bây giờ ông làm thế nào?”. Tài xế thật tình “sếp cho em làm bao nhiêu thì em làm bấy nhiêu”. Ông Cường giơ một ngón tay “làm thế này đi”. Tài xế lạc giọng “gì mà một chai dữ vậy sếp”, ông Cường “chứ sao nữa, 13-14 khối gõ mà”. Tài xế xin bớt chút đỉnh, ông Cường nổi nóng: “Mày đề xuất tao đã giải quyết rồi, mày lại lấn tới nhá. Những tội của ông treo bằng cả đấy”. Tài xế tiếp tục kỳ kèo “bớt cho em 2 xị nha”. Thấy ông Cường chẳng nạt nộ gì, tài xế kẹp 800.000 đồng vào tờ giấy đưa cho ông Cường. Ông này luồn tay vào tờ giấy rút ra một xấp tiền, cuộn chặt vào lòng bàn tay rồi cho vào dưới gầm bàn.

Chiều 10-8, chúng tôi ngồi trên chiếc xe tải từ Phú Yên đi Hà Nội. Tại km703, Hưng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, chúng tôi gặp xe tuần tra 73B-2929 ra hiệu dừng lại. Nghe tài xế “tự thú” chở gỗ chiêu liêu, CSGT tên Ngọc đòi lập biên bản. Sau một hồi trả treo, CSGT ngồi trên xe (không đeo bảng tên) ra giá “1 chai”. Tài xế xin bớt chút đỉnh, Ngọc nói “tổ này chỉ kiểm tra một chiều thôi, ngoài kia không dám kiểm tra nữa đâu”. Tài xế cò kè “cho em làm 8 xị đi”, CSGT buột miệng “đưa đây’”.

1g ngày 31-7, khi xe vừa qua trạm thu phí Hòa Phước (Hòa Vang, Đà Nẵng) thì gặp nhóm CSGT đang chặn xe hai chiều để “làm luật”. Một CSGT đứng gần xe tuần tra 43E-1268 hỏi “xe chở gì đây?”, tài xế nói “gỗ”. CSGT thăm dò “chừ răng đây”. Tài xế đưa tờ giấy bên trong kẹp tờ 100.000 đồng. CSGT lắc đầu “chừng ni sao được mi”. Tài xế “chừ sếp muốn răng?”. CSGT ra giá “5 xị”. Tài xế mếu máo “làm rứa chết em sếp ơi, 4 xị được không”, CSGT nói “ừ”.

Mãi lộ ở Hà Nội

Tại Hà Nội, nạn mãi lộ càng diễn ra công khai. 18g30 ngày 2-8, chúng tôi lên chiếc xe tải chở sắt từ Hưng Yên về Vinh. Đến gần cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội), chúng tôi thấy hai CSGT không đeo quân hàm đứng sau xe tuần tra 31A-6439. Tài xế kẹp 40.000 đồng vào sổ đến trình cho CSGT Nguyễn Chí Thành. Ông này mở ra xem rồi quát “lấy giấy tờ xuống”. Biết ý, tài xế nhét thêm tờ 10.000 đồng vào sổ. Ông Thành thấy thế mắng: “Ôi dời ôi, thằng này làm 40, giờ lại 50”. Thấy tài xế xe 34M-3235 chạy đến, ông Thành nói: “Mày đứng đây xem xe 34 bé tí như thế nó còn làm nửa xị. Chúng mày đúng 1 xị, không thì lập biên bản, hiểu chưa”. Tài xế lí nhí “dạ hiểu”.

Tiếp đó, 19g ngày 2-8, xe chúng tôi vừa qua cầu vượt Thường Tín (Hà Nội) thì “đụng” chốt CSGT đi xe tuần tra 31A-8334. CSGT Lê Tâm Đa ra hiệu dừng xe hỏi “chở gì đây?”. Tài xế nói chở sắt, ông Đa phán ngay “làm 100”. Tài xế dặt dẹo “xe vào Nam mà sếp”, Đa cương quyết “vào ra đều 100”. Tài xế hỏi “xe chở trái cây chung bao nhiêu?”, ông Đa “xe này 100, xe to 200”.

13g25 ngày 11-8, chúng tôi lên chiếc xe chở gỗ từ miền Trung đi Hà Nội. Đến km437, Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An, xe chúng tôi bị CSGT Hàn Quốc Huy ra giá “làm 7 lô” (700.000 đồng). Tài xế xin bớt, ông Huy nói “làm một đầu thôi, đầu ngoài không làm”.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
2 anh em bị khởi tố về tội giết người   (06/09/2011)
An Nhơn: Tăng cường phòng chống cháy nổ   (05/09/2011)
Tập trung giải quyết các hiện tượng tiêu cực xã hội   (05/09/2011)
Chết trong ngày khai giảng  (05/09/2011)
Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn!  (05/09/2011)
“Game thủ” lại giết người (!)  (04/09/2011)
Kết thúc điều tra vụ án làm giả giấy phép lái xe   (03/09/2011)
Tai nạn giao thông, 1 người chết  (03/09/2011)
Làm rõ vụ đập phá mộ tại nghĩa địa phường Bùi Thị Xuân  (04/09/2011)
Trả giá cho lòng tham  (03/09/2011)
Những đứa con gánh nặng tủi buồn bởi mẹ cha   (03/09/2011)
Bị giật dây chuyền   (03/09/2011)
Vô cớ đánh người, đốt xe  (03/09/2011)
Huỳnh Ngọc Sĩ được giảm án xuống còn 20 năm tù  (01/09/2011)
Cảnh sát giao thông bắt trộm  (01/09/2011)