Sau gần 3 năm triển khai Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý (TGPL), Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh luôn đề cao trách nhiệm của người thực hiện TGPL nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Ngày 8.12.2008, Bộ Tư Pháp ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP về Quy tắc nghề nghiệp TGPL (Quy tắc) với mục đích nâng cao trách nhiệm của tổ chức thực hiện TGPL nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Đồng thời, ngăn ngừa, hạn chế việc lợi dụng hoạt động TGPL để trục lợi, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
|
TGV của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (áo sẫm, đứng giữa) tham gia tranh luận tại tòa. |
Theo ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh: Việc ban hành Quy tắc nghề nghiệp TGPL là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động TGPL. Ngay từ khi quyết định có hiệu lực, Trung tâm đã triển khai cụ thể nội dung Quy tắc cho từng cán bộ, viên chức và cộng tác viên (CTV) của Trung tâm. Mỗi cán bộ, viên chức, CTV luôn lấy Quy tắc làm thước đo khi thực thi nhiệm vụ; nhờ đó đã nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý của người thực hiện TGPL đối với vụ việc TGPL.
Để xây dựng, duy trì và phát huy uy tín nghề nghiệp của tổ chức TGPL, 3 năm qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh không ngừng xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ những người tham gia hoạt động pháp lý. Đến nay, Trung tâm có 5 chi nhánh TGPL; hợp đồng 178 CTV TGPL tại các sở, ban, ngành của tỉnh. Ngoài ra, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh, phòng Tư pháp các huyện và UBND các xã, phường, thị trấn thành lập 62 Câu lạc bộ TGPL. Hàng năm, Trung tâm đều mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia TGPL cho người thực hiện TGPL và các thành viên Câu lạc bộ TGPL.
Quy tắc nghề nghiệp TGPL gồm 3 chương, 18 điều với nhiều nguyên tắc quan trọng xuyên suốt quá trình thực hiện TGPL, như: giữ gìn và không ngừng nâng cao uy tín nghề nghiệp; trung thực khách quan; tuân thủ và tôn trọng pháp luật; bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; bảo đảm bí mật thông tin về vụ việc TGPL; tác phong, thái độ và hành vi ứng xử đúng mực; không phân biệt đối xử; tôn trọng, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án... |
Từ khi thực hiện Quy tắc nghề nghiệp TGPL đến nay, các trợ giúp viên (TGV) pháp lý, CTV TGPL đã tham gia tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải… bằng nhiều phương thức phong phú (trợ giúp lưu động về các vùng ven biển, hải đảo; sinh hoạt câu lạc bộ tại cộng đồng). Đồng thời, các TGV pháp lý, CTV TGPL luôn tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Qua đó, góp phần giải quyết những vướng mắc pháp luật, giải tỏa bức xúc trong cộng đồng dân cư. Qua 3 năm triển khai Quy tắc, các cán bộ và CTV của Trung tâm đã giải quyết gần 7.200 vụ việc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng triệu lượt người.
Ông Huỳnh Văn Chưa cho biết: Sau gần 3 năm thực hiện Quy tắc nghề nghiệp TGPL, các TGV pháp lý, CTV TGPL đã nhận thức được TGPL là một hoạt động nghề luật. Đồng thời, hiểu rõ những quy tắc, những việc được làm và không được làm mà Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 8.12.2008 đã quy định. Qua đó, chất lượng TGPL không ngừng được nâng cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai Quy tắc nghề nghiệp TGPL nhằm hoàn thiện hơn nữa hoạt động TGPL, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
|