Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bình Định, hiện số tiền nợ đọng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh lên đến hơn 50 tỉ đồng. Tình trạng DN nợ đọng tiền BHXH đã có từ lâu và ngày càng nghiêm trọng hơn, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Nợ đọng dây dưa
Theo thống kê của BHXH Bình Định (BĐ), hiện tổng số tiền nợ BHXH của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh lên đến hơn 50 tỉ đồng. Trong đó, số DN có thời gian nợ đọng BHXH trên 6 tháng là 21 tỉ đồng. Điều đáng nói, trong số các đơn vị nợ đọng dây dưa tiền BHXH, không ít đơn vị là DN có tên tuổi trên địa bàn tỉnh. Điển hình như: Công ty TNHH sản xuất thương mại Duyên Hải, Công ty cổ phần (CP) VRG đá Bình Định, Công ty CP xây dựng thủy lợi Bình Định… với số tiền nợ đọng BHXH hàng tỉ đồng.
|
Người lao động cần tỉnh táo để bảo vệ quyền lợi của mình, không thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động để trốn đóng BHXH (ảnh có tính minh họa). |
Ngoài các DN có số tiền nợ BHXH lớn, còn một danh sách các DN nợ dây dưa từ nhiều năm, thậm chí đến hơn chục năm, như: Công ty CP trắc địa bản đồ Quy Nhơn nợ gần 140 tháng, Công ty CP xuất - nhập khẩu nợ hơn 23 tháng; Công ty CP VRG đá nợ hơn 24 tháng; Công ty CP vật tư tổng hợp nợ 32 tháng; Công ty CP tàu thuyền và hải sản Cù Lao Xanh nợ hơn 43 tháng…
Ông Nguyễn Minh Cẩn - Trưởng phòng Thu BHXH BĐ, cho biết: “Trước tình trạng chây ỳ tiền BHXH của các đơn vị, DN, thời gian qua BHXH BĐ cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng BHXH, đóng không đầy đủ hoặc nợ đọng tiền đóng BHXH. Cụ thể như: thông báo số tiền nợ đến đơn vị sử dụng lao động, phối hợp đối chiếu xác định nợ; thực hiện tính lãi trên số tiền nợ BHXH; tạm dừng giải quyết chế độ BHXH đối với những đơn vị nợ BHXH kéo dài mà không có cam kết trả nợ. Ngoài ra, BHXH BĐ chỉ đạo thành lập tổ thu nợ thuộc BHXH huyện, thành phố và tổ thu nợ văn phòng BHXH BĐ thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ; đồng thời chỉ đạo BHXH huyện, thành phố thực hiện theo trình tự, thủ tục hồ sơ…”.
Mặc dù BHXH BĐ đã thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm thu hồi nợ đọng BHXH, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, tình trạng nợ đọng BHXH của các DN vẫn tiếp tục tái diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đâu là nguyên nhân ?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng nợ đọng tiền BHXH kéo dài của các DN xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Về khách quan, tình hình chung của các DN hiện đang gặp không ít khó khăn do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Bên cạnh đó, có không ít DN cố tình chây ỳ, dây dưa tiền nợ đọng BHXH. Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc một DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, cho biết: “Phần lớn các DN đều phải đi vay ngân hàng để kinh doanh. Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, các DN càng gặp khó khăn hơn trong vấn đề tài chính. Do vậy, với mức phạt cao nhất cho 1 DN nợ BHXH là 30 triệu đồng, kể cả với số tiền nợ lên đến gần 20 tỉ đồng và lãi suất số nợ này cũng chỉ bị tính theo mức công bố của NHNN (thời điểm này là 14%) thì rõ ràng DN thà lựa chọn nợ tiền BHXH còn hơn phải vay tiền ngân hàng với lãi suất trên 20% để nộp tiền BHXH”.
Hiện nay, có 3 hình thức trốn tránh hoặc nợ tiền BHXH chủ yếu là kéo dài thời hạn nộp, khai giảm số lao động thực tế, khai sai số thu nhập thực tế của người lao động để nộp BHXH với mức thấp hơn. Trong đó có hai phương thức DN sẽ không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của người lao động. Người lao động do thiếu am hiểu nên không hề biết rằng thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động để nộp tiền BHXH với mức thấp hơn mức lương thực tế hoặc trốn đóng BHXH chính là xâm phạm quyền lợi của chính mình cũng như vi phạm pháp luật về BHXH.
Theo ông Huỳnh Quang Trắc - Giám đốc BHXH BĐ, “Với các trường hợp nợ đọng, cơ quan BHXH muốn khởi kiện ra tòa cũng gặp không ít khó khăn. Bởi vì, muốn khiếu kiện một DN nào đó ra tòa về việc nợ tiền BHXH, thì trước hết DN đó phải bị xử phạt hành chính của thanh tra lao động. Khi DN không chấp hành xử phạt thì mới khởi kiện ra tòa được. Tuy nhiên, trước giờ ở tỉnh ta chưa thấy có trường hợp vi phạm chính sách BHXH nào bị xử phạt cả (!)”.
Mặc dù đã có Luật BHXH cũng như những văn bản hướng dẫn, nhưng vẫn còn những kẽ hở trong các văn bản pháp quy, trong cơ cấu tổ chức để các DN có thể lách luật, vi phạm quyền lợi người lao động và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đây là những yếu kém cần sớm khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
|