Dù ngành Giáo dục và các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhưng tình trạng học sinh (HS) vi phạm Luật Giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến ngay từ đầu năm học mới.
Tan trường là thời điểm tập trung một lượng HS đông, trong khi không gian cổng trường không đủ rộng, lại còn bị hàng quán lấn chiếm. Thêm vào đó, ý thức tự giác chấp hành TTATGT của HS vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, những ngày đầu năm học mới này, dạo quanh các trường học, ta không khó để bắt gặp cảnh HS chen lấn nhau trước cổng trường sau giờ tan học. Thực trạng này diễn ra đã từ lâu, nhưng dường như, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để.
|
Tình trạng phụ huynh dừng xe giữa lòng đường để chờ đón con tan trường rất phổ biến trước các trường học. |
Không chỉ thế, trên đường về, nhiều HS đạp xe dàn hàng hai, hàng ba trò chuyện, quên cả sự nguy hiểm đối với mình và ảnh hưởng đến lưu thông trên đường. Mà không chỉ HS, nhiều phụ huynh HS cũng có những hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT khi dàn hàng ngang đứng dưới lòng đường ngay trước cổng trường để chờ đón con em mình tan trường, khiến không ít đoạn đường bị ùn tắc giao thông.
Thượng tá Mạc Văn Cuộc, Phó Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, cho biết: “Ngay từ đầu năm học, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy tắc tham gia giao thông dưới nhiều hình thức cho HS. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là theo quy định, các em ở tuổi vị thành niên khi vi phạm Luật Giao thông thì không được xử phạt mà thông báo và giao về cho phụ huynh giáo dục. Do sợ bị kỷ luật, hạ bậc hạnh kiểm, nhiều em không chịu khai báo là học ở trường nào. Có trường hợp, HS đi học xa, phụ huynh cưng chiều, cho đi xe máy đến trường dù chưa đủ tuổi được phép sử dụng. Khi đến trường, để tránh sự theo dõi của nhà trường, các em gửi xe máy ở bên ngoài nên rất khó phát hiện để xử lý”.
Nhằm hạn chế tình trạng HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bước vào năm học mới, ngành Giáo dục đã phát động phong trào thi đua đảm bảo ATGT năm 2011. Theo đó, nhà trường dạy lồng ghép các kiến thức về giao thông, tăng cường giáo dục ý thức chấp hành, giữ gìn TTATGT cho HS; xây dựng tủ sách pháp luật, đưa thông tin liên quan đến TTATGT đến với HS. HS và giáo viên ký cam kết không vi phạm pháp luật, thực hiện tốt các quy định về TTATGT như: không đi bộ trong lòng đường, không vi phạm các quy định về sử dụng mô-tô, xe máy; đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện; không đi xe đạp hàng hai, hàng ba; không chơi đùa, chạy nhảy trong lòng đường; không tham gia đua xe trái phép. Nhà trường coi việc chấp hành TTATGT là một tiêu chí đánh giá thi đua. HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ không được xếp loại hạnh kiểm Khá, Tốt…
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả ATGT học đường, bên cạnh công tác tuyên truyền, xử phạt, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra, xử lý, cập nhật, lưu giữ thông tin về những trường hợp HS vi phạm pháp luật giao thông và duy trì việc thông báo định kỳ danh sách những HS vi phạm đến nhà trường để cùng phối hợp giáo dục. Nhà trường cần đa dạng hóa các sinh hoạt ngoại khóa của HS, trong đó, có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông.
Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm hơn đến việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của con em mình; không giao mô tô cho con em điều khiển; khi đi xe đạp điện nhắc các em phải đội mũ bảo hiểm. Bản thân các bậc làm cha, mẹ cũng phải làm gương cho con cái trong việc chấp hành pháp luật về TTATGT.
|