Trước diễn biến phức tạp của tình trạng học sinh, sinh viên (HS, SV) vi phạm pháp luật, ngay từ những ngày đầu năm học mới 2011-2012, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phối hợp với các trường tăng cường tuyên truyền phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại các trường học.
|
Một buổi tuyên truyền pháp luật tại Trường Cao đẳng y tế Bình Định.
|
Hình thức tuyên truyền sinh động
Theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật trong HS, SV trên địa bàn tỉnh ta có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp. Hiện tượng HS, SV còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã “sành điệu” trong phong cách sống và “quá đà” trong hành vi xử sự, thậm chí, không kiểm soát được hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật đang là mối quan tâm của xã hội. Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra ba vụ giết người mà thủ phạm là HS. Ngoài ra, còn nhiều vụ án hình sự như trộm cắp, cướp giật; nhiều vụ vi phạm Luật Giao thông liên quan đến HS, SV.
Nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực trên trong HS, SV, bên cạnh việc xử lý bằng luật pháp, vấn đề quan trọng đặt ra vẫn là tăng cường giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật trong HS, SV.
Theo chủ trương thống nhất giữa lãnh đạo hai ngành Công an và Giáo dục về tăng cường tuyên truyền pháp luật cho HS, SV, thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương cũng như các trường học đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, giáo dục pháp luật tại các trường học, ở các cấp học. Để công tác này mang lại hiệu quả cao, Công an tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, với sự tham gia của nhiều đơn vị nghiệp vụ như cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy…
Với đối tượng là HS, SV, yêu cầu đặt ra cho công tác tuyên truyền là nội dung, hình thức tuyên truyền phải sinh động, phong phú để thu hút sự theo dõi của người nghe. Do đó, trước mỗi buổi tuyên truyền, lực lượng Công an và ban giám hiệu các trường đều họp bàn cách thức tuyên truyền cũng như các nội dung cần chú trọng… Trên thực tế, việc đổi mới cách tuyên truyền; tăng cường ghi nhận và giải thích thông tin phản hồi từ người nghe đã tạo sự hứng thú trong HS, SV. Nhiều HS đã chủ động tham gia vào buổi tuyên truyền; nêu câu hỏi và bày tỏ suy nghĩ của mình với các hành vi sai phạm ở lứa tuổi học trò.
Nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi
Từ đầu năm học 2011-2012 đến nay, đã có hơn 100 trường học các cấp trong tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật, với hàng chục vạn HS, SV tham gia. Qua đó, HS, SV đã nhận thức được những vấn đề cơ bản của pháp luật, trách nhiệm công dân. Như vậy, có thể nói, hành trang của các HS, SV bước vào năm học mới không chỉ có kiến thức văn hóa mà còn có những hiểu biết về pháp luật, để các em tự ý thức và điều chỉnh hành vi của mình trong cuộc sống.
Ông Thái Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), phấn khởi cho biết: “Đây là hoạt động thiết thực. Sau tuyên truyền, chúng tôi nhận thấy các em đã có chuyển biến về nhận thức và tự giác chấp hành nội quy nhà trường. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Công an tổ chức thêm một số buổi tuyên truyền pháp luật nữa để nhắc nhở các em luôn có ý thức tuân thủ pháp luật”.
Đại tá Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống HS, SV vi phạm pháp luật: Đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lần này sẽ kéo dài; với mục tiêu là tổ chức tại tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh, để mỗi thầy cô giáo, mỗi HS, SV có những kiến thức nhất định về phòng chống tội phạm. |
|