Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình:
Phải làm cho mọi người hiểu Luật
21:32', 28/9/ 2011 (GMT+7)

Đến nay, đã hơn 3 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) nhưng tình trạng BLGĐ vẫn còn xảy ra nhiều nơi. Thực tế này đòi hỏi, việc tuyên truyền về BLGĐ cần được chú trọng hơn để đảm bảo mọi người dân biết, hiểu đúng và thực thi pháp luật.

Có Luật nhưng vẫn còn BLGĐ

Sau khi Luật Phòng chống BLGĐ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2008, các ngành chức năng của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về Luật này, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, góp phần xóa bỏ BLGĐ và đề cao truyền thống nhân ái của con người, gia  đình Việt Nam.

 

Một buổi tuyên truyền Luật Phòng chống BLGĐ do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức tại xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước).

 

Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng BLGĐ vẫn âm ỉ diễn ra nhiều nơi với nhiều mức độ khác nhau. Ông Trần Văn Bài, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, chia sẻ: “Đôi lúc, nhiều cặp vợ chồng không tìm được “tiếng nói chung” trong những vấn đề riêng tư, tế nhị cũng xảy ra to tiếng, đánh đập nhau. Do vậy, dù địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống BLGĐ nhưng tình trạng chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ vẫn còn diễn ra”.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã khởi tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án mà nạn nhân là những người vợ; còn thủ phạm không ai khác là các đức ông chồng. Điển hình, đầu năm 2011, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tuy Phước đã khởi tố, bắt tạm giam N.V.N (SN 1960, trú xã Phước An) vì đã có hành vi dùng dao đâm vợ là N.T.M bị thương nặng.

Hay mới đây, TAND tỉnh đã đưa bị cáo H.Đ.K (trú huyện Vân Canh) ra xét xử về tội “cố ý gây thương tích” và bị cáo T.V.T, V.H.T (cùng trú xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) về tội “giết người”…; cả 3 nạn nhân trong các vụ án trên đều là vợ của các bị cáo.

Theo ông Phan Văn Hùng, trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ nhưng phần lớn trong số đó liên quan trực tiếp đến ghen tuông và say rượu. Ngoài ra, nhiều người vợ có ý nghĩ “xấu chàng hổ ai” và nhẫn nhục chịu đựng với mong muốn sự cam chịu đó sẽ làm cho gia đình êm thấm hơn. Tuy nhiên, sự im lặng của những người vợ lại càng làm tình trạng BLGĐ trở nên trầm trọng hơn.

Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục

Qua xét xử các vụ BLGĐ cho thấy, nhiều nạn nhân thiếu hiểu biết về Luật Phòng chống BLGĐ. Chị P.T.H (47 tuổi, trú xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) - một nạn nhân của BLGĐ, thành thật: “Tôi từng nghe nói đến Luật Phòng chống BLGĐ nhưng thật lòng không hiểu cụ thể ra sao. Mặc dù tôi thường xuyên bị chồng chửi mắng, đánh đập nhưng nghĩ đó là số của mình nên đành lòng cam chịu”. Ngoài ra, rất nhiều người cho rằng, chỉ những hành vi đánh đập, gây thương tích nặng mới gọi là BLGĐ; còn những hành động xô xát, chửi mắng chỉ là “chuyện thường ngày ở gia đình!”.

Ông Phan Văn Hùng phân tích: “BLGĐ không chỉ đơn thuần là hành động đánh đập, gây thương tích mà còn nhiều hành vi khác nữa như lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; cưỡng ép quan hệ tình dục; gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng…”.

“...Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...” (trích Điều 42 Luật Phòng chống BLGĐ).

Mặt khác, hiện nay các văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết bạo lực đối với phụ nữ ở nước ta chưa định nghĩa rõ một số hình thức bạo lực như quấy rối, cưỡng bức tình dục. Do không có định nghĩa rõ ràng nên việc xác định hành vi vi phạm thuộc loại này mang tính hình sự hay dân sự; cũng như việc áp dụng các tội danh khác ngoài tội bạo hành về thân thể hoặc bạo hành nghiêm trọng về tinh thần là rất khó khăn.

Trước thực trạng trên, việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ đến tận cơ sở là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cần nêu bật được vị thế quan trọng của người phụ nữ ở cả lĩnh vực xã hội và gia đình; tạo sự gắn bó giữa các chị em trong cùng xóm, thôn, tổ, hội nhằm kịp thời phát hiện, giúp đỡ những chị em là nạn nhân của BLGĐ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý kiên quyết hơn đối với những ông chồng vũ phu, bạo hành.

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một học sinh chết đuối   (28/09/2011)
Mô tô chở 3 tự gây tai nạn   (28/09/2011)
Hiếp dâm trẻ em, lãnh 9 năm tù giam   (28/09/2011)
Vụ án cầu Quán Cẩm, hung thủ bị phạt 14 năm tù  (27/09/2011)
Mất 3 điện thoại di động   (27/09/2011)
Tông xe vào chủ nợ   (26/09/2011)
Trộm vàng hàng xóm  (26/09/2011)
Phải cưỡng bức vì không tự giác cải tạo   (26/09/2011)
Em rể truy sát anh vợ vì… vạt cỏ   (26/09/2011)
Công tác PCCC cho ôtô còn nhiều bất cập  (25/09/2011)
Kết thúc thắng lợi chuyên án ma túy  (25/09/2011)
Tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong HS, SV  (24/09/2011)
Ma men “dẫn lối” vào trại  (24/09/2011)
Đánh chết bạn, lãnh án 7 năm tù  (23/09/2011)
78% vụ phạm pháp hình sự do thanh, thiếu niên gây ra  (23/09/2011)