Theo nhận định của thẩm phán, chánh án của một số TAND trong tỉnh, năm 2011 là năm có nhiều trọng án về giết người, cướp, cướp giật tài sản; tình trạng thanh thiếu niên phạm tội tăng hơn những năm trước về số lượng cũng như tính chất và mức độ vi phạm…
Là phóng viên viết về pháp luật, tôi đã dự nhiều phiên tòa xét xử tội phạm và không ít phiên tòa để lại lòng tôi những nỗi niềm, nhất là xét xử các vụ trọng án về giết người, giết người cướp của, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội…
|
Một phiên tòa xử người chưa thành niên phạm tội của TAND TP Quy Nhơn. Ảnh: THU HÀ |
Đau lòng người thân giết người thân
… Cho đến giờ tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh của bị cáo Huỳnh Văn C. (Hoài Ân) nước mắt giàn giụa tại phiên tòa xử, xin được chịu mức án tử hình vì “tội của tôi không thể nào dung thứ được”. Sau khi uống rượu về bị cha mắng, C. cự cãi lại. Người cha - lúc này cũng đã sẵn hơi men, ném đồ đạc về phía con. Bình thường C. là người hiền lành, nhưng lúc này y trở nên hung hãn, điên rồ, chạy xuống nhà bếp lấy con dao và quay lên phòng đâm vào cha ruột mình.
“Trời ơi, ai cứu cha tôi” - C. đã khóc, kêu cứu mọi người khi thấy cha ngã xuống. Nhưng giọt nước mắt muộn màng của y không thể làm cho cha mình sống lại. Bản án 20 năm tù dành cho C. chắc hẳn không nặng nề bằng bản án lương tâm anh ta phải mang suốt cả đời. Trong phiên tòa này, còn có nước mắt của người vừa là vợ của nạn nhân và cũng là mẹ của kẻ sát nhân. Chồng mất, con phải vào tù, nước mắt bà cứ lặng lẽ tuôn suốt phiên tòa.
Đau lòng hơn khi chứng kiến giây phút gặp mặt ngắn ngủi và đầy nước mắt của bị cáo Cao Thị Huy H. ở huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn) với con trong lúc Tòa nghị án. H. bị chồng phụ bạc, trắng tay sau khi ly hôn đến nỗi phải về ở nhờ nhà mẹ ruột. Nhưng điều tệ hại là người chồng cũ, dù đã ly hôn, vẫn thường xuyên mò vào nhà đòi quan hệ sinh lý. Trong một đêm chồng cũ về nhà, H. đã dùng dây thừng xiết cổ anh ta cho đến chết trong khi y đang ngủ say.
Có tội phải đền tội. Bị cáo H. phải trả giá cho tội ác của mình. Song người dự khán hôm ấy không thể không kìm lòng trước nỗi đau mà hai đứa con của chị phải gánh chịu. Hai đứa trẻ xin tòa ân giảm án cho mẹ trong khi bà nội của chúng lại đòi phải xử tử hình bị cáo H. Lỗi lầm do người lớn gây ra, nhưng con cái cũng bị tổn thương lây.
Nhức nhối người trẻ phạm tội
Theo thống kê của ngành TAND tỉnh, trong tổng số 1.500 bị cáo đưa ra xét xử trong năm 2011, có 157 người chưa thành niên, chiếm tỉ lệ 10,5%. Còn theo phân tích của Công an tỉnh năm 2011, tội phạm thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ ngày càng cao (83,4%) trong cơ cấu cấu thành tội phạm.
Ở những phiên tòa xử mà người phạm tội còn rất trẻ, nguyên nhân phạm tội thường bắt nguồn từ mê game, nghiện game hoặc từ những mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt, thậm chí là vô lý…
Trong năm 2011, ngành TAND đã xét xử 20 vụ án giết người-48 bị cáo (tăng 6 vụ so với năm 2010); cố ý gây thương tích: 161 vụ-360 bị cáo (tăng 21 vụ); trộm cắp tài sản: 163 vụ-288 bị cáo (tăng 29 vụ)… với tổng số 1.500 bị cáo. |
Nhiều người dự phiên tòa hôm ấy không quên gương mặt còn non tơ của Huỳnh Đông Hải và 4 người bạn đồng phạm đều 14, 15 tuổi trong vụ án giết người trước cổng trường THCS Ngô Mây - TP Quy Nhơn. Cả 5 bị cáo khi được Tòa cho nói lời sau cùng đều đã xin lỗi gia đình người bị hại. Nạn nhân chết ở tuổi 15 bởi lý do dám chở bạn gái của Hải đi chơi (!).
Thương con, lo cho con cái ăn, cái mặc nhưng lại thiếu quan tâm sâu sát đến con, phó mặc cho nhà trường, xã hội; hoặc chỉ chăm chăm lo “nhồi chữ” cho con mà nhẹ đi phần chăm “cái gốc” hình thành nên lòng nhân ái, vị tha cho con- lỗi thường thấy ở những phụ huynh có con phạm tội.
Một năm cũ đã qua, năm mới đang đến, làm gì để ngăn chặn cái ác, khép lại những nỗi đau… ? Có lẽ là câu hỏi lớn của toàn xã hội mà các cơ quan luật pháp không dễ trả lời nếu không tìm hiểu đúng nguyên nhân phạm tội và biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
|