Nghe tiếng đã lâu nhưng mãi năm 2011, tôi mới có dịp gặp Thiếu tướng Trần Tôn Thất ở buổi họp mặt thường niên của đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh. Để làm tốt nhiệm vụ của một người đứng đầu hội đồng hương, phải có uy tín để tập hợp và nhiều tình cảm để “giữ chân” họ sinh hoạt. Người điệp viên năm xưa có đủ cả hai phẩm chất ấy…
|
Thiếu tướng Trần Tôn Thất (thứ 2 từ trái qua) chuyện trò thân mật cùng những người đồng hương. Ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG
|
Một Bảy Thất thầm lặng…
Bảy Thất là tên thân mật của Thiếu tướng Trần Tôn Thất. Cái tên có từ khi ông tham gia Kế hoạch CM-12 đấu tranh với tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng Nam Việt Nam” của Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh. Trong Kế hoạch này, ông là một trong những cán bộ an ninh có công đầu, lập nhiều thành tích xuất sắc.
Khi tổ chức phản cách mạng của Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh xâm nhập vào nước ta qua biên giới Campuchia, Trần Tôn Thất đang công tác tại Cục Bảo vệ chính trị I ở phía Nam. Để đấu tranh trực diện với tổ chức này, ông được chỉ định tham gia “Tổ đặc biệt”, thông qua điện đài địch để câu nhử số gián điệp biệt kích còn ở nước ngoài về, đánh tan âm mưu và ý đồ của địch. Sau đó, ông còn được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức cho “Tổ đặc biệt” liên lạc với trung tâm của Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh ở Bangkok.
Hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ đó, Trần Tôn Thất tiếp tục được giao đóng vai người của địch trong nội địa. Trong các chuyến xâm nhập của địch, nhất là những khi ta cho một số tên gặp gỡ các “NK” (tức những thành viên của địch trong nước), ông đã mưu trí, linh hoạt làm cho địch tin tưởng. Đặc biệt, trong hai chuyến xâm nhập của tên đầu sỏ Mai Văn Hạnh, Trần Tôn Thất đã được bố trí làm một cán bộ cốt cán của “Mặt trận” đưa Hạnh đi thăm, kiểm tra các “cơ sở”, “mật cứ” của chúng (thực chất là do ta dựng lên). Với trình độ nghiệp vụ cao và lối ứng biến linh hoạt, Trần Tôn Thất đã làm cho Mai Văn Hạnh hoàn toàn tin tưởng. Điều này góp phần tích cực vào thắng lợi của kế hoạch.
Hơn 25 năm sau khi Kế hoạch CM-12 kết thúc, Thiếu tướng Trần Tôn Thất tâm sự, suốt thời gian tham gia phá án, ông cùng các trinh sát không được phép gặp gỡ người thân, để bảo đảm bí mật tuyệt đối. Mãi đến tháng 11.1985, khi được điều động về Cục Bảo vệ chính trị I và được Bộ cử tham gia Đoàn chuyên gia giúp Bộ Nội vụ Campuchia về công tác an ninh, Trần Tôn Thất mới chấm dứt thời gian hoạt động bí mật. Với sự mưu dũng của nhiều cán bộ an ninh, trong đó có Trần Tôn Thất, Kế hoạch CM-12 đã thắng lợi. Ta đã tóm gọn 18 chuyến xâm nhập của địch, tịch thu 2 tàu vận tải, 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, bắt 189 tên phản động. Thông tin thu thập từ Kế hoạch này giúp ta phá thêm hơn chục tổ chức phản động có liên quan, bắt hàng ngàn tên phản động cài cắm trong nước, vạch trần các thế lực phản động chống phá bên ngoài.
Đến Chủ tịch Hội đồng hương xứ Nẫu
Năm 2011, tôi được tham dự buổi gặp mặt của người Bình Định đang học tập, làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức tại Dinh Thống nhất và được gặp ông Trần Tôn Thất với tư cách Chủ tịch Hội Đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh. Sau lần ấy, tôi vẫn giữ liên lạc với ông. Ông chia sẻ: “Nhìn lại 5 năm đã qua, việc lớn nhất mà tôi và các anh chị trong Ban liên lạc Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh làm được chính là tạo một nền móng khá vững chắc, hình thành một mối liên kết tình cảm giữa những người cùng quê. Buổi họp mặt đồng hương đã trở thành truyền thống. Cứ đến ngày mồng Năm tháng Giêng, nhân kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, những người con xứ Nẫu lại tìm đến Dinh Thống nhất, để thăm hỏi, giao lưu, chúc mừng năm mới và tưởng nhớ vua Quang Trung”.
Thực tế, thời gian gần đây, hoạt động của đồng hương Bình Định ở TP Hồ Chí Minh đang có nhiều khởi sắc và ngày càng thiết thực hơn; với mong muốn dù ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào, người Bình Định cũng nêu cao ý chí vươn lên, sống nghĩa tình trọn vẹn với quê cha đất tổ. Các ban liên lạc đồng hương tỉnh, huyện, xã, đồng hương theo trường lớp, ngành nghề đã có nhiều hoạt động đa dạng và phong phú; với mục đích gắn kết tình đoàn kết giữa những người đồng hương; như: gặp mặt các nhà báo Bình Định, giúp công nhân Bình Định vay tiền không lãi suất để nâng cao tay nghề, tổ chức hội trại cho sinh viên, tổ chức CLB doanh nhân khuyến học khuyến tài, tổ chức các hoạt động từ thiện - xã hội ở quê nhà…
Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 300.000 người Bình Định đang học tập, làm việc, sinh sống. Kết nối được từng ấy con người sẽ tạo nên sức mạnh thống nhất, vừa giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, vừa có nhiều đóng góp cho quê nhà. Trăn trở lớn nhất của vị Chủ tịch Hội đồng hương là làm sao phát huy hơn nữa vai trò của người Bình Định xa quê, nhất là giới doanh nhân, trí thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trên quê hương Bình Định...
Thiếu tướng Trần Tôn Thất sinh ngày 12.12.1945, là con cả trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Thuận Thượng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn. Năm 1954, ông được đưa ra miền Bắc học tập. Ông từng công tác ở nhiều đơn vị an ninh như Phòng Bảo vệ nội bộ Công an tỉnh Hà Tây (cũ), Cục Bảo vệ chính trị (Bộ Công an), Tiểu Ban bảo vệ chính trị (thuộc Trung ương Cục miền Nam)… từng giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Với quá trình chiến đấu lâu dài, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt nổi bật nhất là trong Kế hoạch CM-12, Thiếu tướng Trần Tôn Thất được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông nghỉ hưu từ ngày 1.12.2006. Tháng 4.2007, khi Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh được tái thành lập, ông được tin tưởng trao chức Chủ tịch Hội cho đến nay. |
|