Dù đã bị cấm nhưng dịp Tết này, ở tỉnh Bình Định, các loại súng đồ chơi như thật được bày bán tràn lan, công khai tại các điểm công cộng - nơi tập trung nhiều trẻ em đến vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh.
Súng được bày bán đủ chủng loại, kích cỡ, từ súng ngắn đến súng trường, có ống ngắm hồng ngoại, có thể gây trọng thương nếu bắn ở cự ly gần! Được làm bằng nhựa, bắn bằng lực nén lò xo, có giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Thoạt nhìn, các loại súng giống như súng thật, có lực bắn rất mạnh, có thể xuyên thủng một miếng bìa cứng bằng bìa cứng. Đạn súng được làm bằng một loại nhựa màu, rất cứng, viên đạn hình cầu, đặc ruột và có kích thước nhỏ bằng hạt tiêu. Tất cả loại súng đó đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
|
Súng giả giống như thật được bắn từ loại đạn làm bằng một loại nhựa màu, rất cứng, viên đạn hình cầu, đặc ruột và có kích thước nhỏ bằng hạt tiêu. |
1 .
Vào dịp Tết, các em nhỏ thường có khá nhiều tiền mừng tuổi từ bố, mẹ, người thân nên các em tự mua các đồ chơi theo sở thích của mình, nhất là các đồ chơi mang tính bạo lực, trong đó các các loại súng bắn đạn nhựa. Biết được tâm lí này nên các chủ bán hàng đồ chơi trẻ em đã chuẩn bị hàng từ trước, chờ dịp Tết đến tung ra bán.
Hôm mùng 1 Tết, tại Chợ Gò (Tuy Phước), rất nhiều gian hàng bán đồ chơi trẻ em đã bày súng bắn đạn nhựa và thu hút khá nhiều trẻ em. Về thị xã An Nhơn, đến trước Trung tâm văn hóa An Nhơn (phường Bình Định), nơi tổ chức một số trò chơi để phục vụ các em nhỏ cũng xuất hiện nhiều gian hàng bán đồ chơi trẻ em, trong đó có bán súng bắn đạn nhựa, khách hàng lại là các em nhỏ.
Anh Mang Đình Lê, ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) cho biết: "Biết đây là đồ chơi nguy hiểm, do mấy cháu nhỏ trong khu phố mua về chơi nên thằng con đòi mua cho bằng được, đành phải mua về cho con chơi".
Tại TP Quy Nhơn, trước Công viên Thiếu nhi (đường An Dương Vương), có từ 5-7 gian hàng bán đò chơi trẻ em bày bán công khai các loại súng nhựa bắn đạn nhựa. Nhiều bố mẹ chở con vào công viên chơi, khi các cháu thấy đồ chơi bày bán trước cổng đòi mua cho bằng được và đồ chơi súng bán đạn nhựa được các cháu chọn mua nhiều nhất.
2.
Việc các cháu nhỏ chơi súng bắn đạn nhựa, bắn qua lại nguy hiểm nhất là dễ bắn trúng vào mắt. Hiện Bệnh viện Mắt Bình Định vẫn chưa thống kê được số trường hợp trẻ em bị đạn nhựa bắn vào mắt. Nhưng đã có một trường hợp bị đạn nhựa bắn trúng vào mắt phải nhập viện điều trị vào tối mùng 1 Tết. Đó là cháu Trần Minh Tùng, 9 tuổi, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Cát Lâm, nhà ở thôn Hiệp Lâm, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát. Theo bệnh án, khi nhập viện mắt trái của cháu Tùng bị tróc biểu mô cộng với máu tiên phòng trên 50mm. Sau gần một tuần điều trị, đến chiều 28.1 (mùng 6 Tết) giác mạc đã ổn, máu tiền phòng đỡ hơn trước nhưng phải điều trị từ 7-10 ngày nữa mới có thể xuất viện.
|
Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga đang khám mắt cho cháu Trần Minh Tùng. |
Chị Nguyễn Thị Kim Linh, mẹ cháu Tùng, cho biết: “Chiều mùng 1 Tết, thấy mấy anh lớn trong xóm chơi trò bắn nhau bằng súng có đạn nhựa, cháu chạy phía sau chơi thì một viên đạn nhựa bắn trúng vào mắt trái. Thấy mắt cháu bị chấn thương khá nặng, 2 vợ chồng lập tức chở cháu vào Bệnh viện Mắt Bình Định nhập viện điều trị. Từ ngày cháu nhập viện đến nay, cả gia đình coi như phải đón Tết trong bệnh viện”.
“Tốt nhất người lớn tuyệt đối không cho các em chơi các trò chơi bạo lực, như dùng súng bắn đạn nhựa đang lộ lên như hiện nay, vì trẻ con không biết hậu quả. Thời gian gần đây, số trẻ em bị chấn thương mắt nhập viện điều trị có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân là tham gia các trò chơi bạo lực. Chẳng may trẻ em bị chấn thương mắt, bố mẹ nên sớm đưa đến các cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ có nhiều biến chứng, thị lực mất dần và dẫn đến hư mắt.
Khuyến cáo của bác sĩ NGUYỄN THỊ QUỲNH NGA (Bệnh viện Mắt Bình Định) |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Bệnh viện Mắt Bình Định, người bị đạn nhựa bắn vào mắt rất nguy hiểm, nhẹ có thể bị đứt chân mống mắt, xuất huyết tiền phòng, nặng có thể gây đục thủy tinh, xuất huyết nội nhãn, võng mạc. Trường hợp bị bắn chính diện, khoảng cách gần sẽ không phục hồi được thị lực.
Bên cạnh các loại súng bắn đạn nhựa, trên thị trường hiện nay còn xuất hiện khá nhiều các đồ chơi bạo lực, kinh dị cho trẻ em như: dao, kiếm, rô-bốt bắn đạn, mặt nạ kinh dị... Nhiều em đang là lứa tuổi học sinh mua từ hai đến ba loại đồ chơi, nếu qua Tết các em đến trường trở lại mang theo các đồ chơi đó vào lớp sử dụng thì hậu quả khó lường.
3.
Để hạn chế tác hại của những đồ chơi mang tính bạo lực, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt kiểm tra, kiểm soát các gian hàng bán đồ chơi, xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi buôn bán, tàng trữ đồ chơi bạo lực và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, để tự bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ cho trẻ em, các bậc làm cha, làm mẹ cần chú ý hơn trong việc mua đồ chơi, không chiều sở thích của con để mua những đồ chơi bạo lực, kích động ảnh hưởng tới tâm, sinh lý của trẻ và gây hiểm họa cho chính con mình.
|