Thời trẻ, họ từng có những lỗi lầm do ăn chơi, đua đòi; song nhờ nhận thức được sai lầm của mình và kiên trì rèn luyện với quyết tâm làm lại cuộc đời, họ đã trở thành công dân tốt, thậm chí còn lập được công trạng với đời. Giờ đây, trong không khí tươi vui đầu xuân, họ không ngại “trải lòng” mình và mong những người khác đừng rơi vào lầm lỗi như họ…
1.
Đi bạn đánh bắt tận ngư trường Vũng Tàu - Côn Đảo, mỗi năm, Võ Đức Minh (sinh năm 1990; nhà ở gần Chợ thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) chỉ về nhà vài bận. Tôi may mắn gặp được Minh trong thời gian anh “lên bờ” ăn Tết cùng gia đình trong dịp đầu xuân này. Hỏi chuyện ngày xưa, Minh tóm gọn: “Tôi học lớp 7 thì nghỉ. Năm 2004, hơn 14 tuổi, bị đưa đi giáo dưỡng ở Đà Nẵng về tội đánh nhau, trộm cắp vặt. Hai năm ở đó làm tôi “ngộ” ra nhiều điều, nhất là phải sống lương thiện…”.
|
Anh Võ Văn Thống (người ngồi giữa) cùng các đại biểu thị trấn Phù Mỹ tham gia buổi tọa đàm “Phòng chống vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh”. |
Và không chỉ sống lương thiện mà Minh còn làm việc có ích cho cộng đồng. Đó là vào dịp tháng Chạp năm 2008, khi đang dọn dẹp nhà chuẩn bị đón Tết thì Minh nghe tiếng la: “Cướp! Cướp!” từ phía nhà giữ xe của Chợ Phù Mỹ. “Nghe tiếng tri hô, tôi lập tức lao theo tên trộm. Cùng đường, hắn đu trên một cái cây, miệng kêu: “Anh ơi cứu em! Em không biết bơi””. Tôi khuyên: “Thôi em xuống đi, có gì anh đỡ cho.” - Minh kể. Sau “chiến công” ấy, Minh được Công an tỉnh tặng Giấy khen về dũng cảm bắt trộm.
Nhà có 7 anh chị em thì 6 người ăn học đến nơi đến chốn, chỉ riêng Minh là rẽ ngang. Minh tâm sự: “Đôi lúc, tôi muốn được đi học lại nhưng không thể. Bởi vậy, khi gặp những đứa nhỏ chừng 14, 15 tuổi hoang bợm trong xóm, tôi khuyên đừng lêu lổng nữa mà hãy chí thú học hành, học nghề”.
2.
Tại buổi tọa đàm “Phòng chống vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh” do Công an và Hội LHPN huyện Phù Mỹ tổ chức vào cuối tháng 12.2011, anh Võ Văn Thống (SN 1970, trú ở thôn Thạnh An, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) được mời tham dự với tư cách là một trong những tấm gương điển hình của người biết trở về “con đường sáng”.
Dù đã vợ con nhưng do có máu “đỏ đen” nên suốt ngày, anh Thống quanh quẩn ở các sòng bài, bầu cua. Năm 2005, do mâu thuẫn trong lúc đánh bầu cua, Thống đã phạm tội gây chết người và bị kết án 14 năm tù. Cuộc sống gia đình anh Thống vốn đã khó khăn giờ càng khó khăn hơn. Nghĩ thương vợ, thương con nên trong thời gian ở Trại giam Kim Sơn, anh Thống đã quyết tâm làm lại cuộc đời và chuyên tâm học nghề mộc gia dụng. Nhờ cải tạo tốt nên anh được đặc xá tha tù trước thời hạn. Trở về nhà, thời gian đầu, anh Thống không tránh khỏi tâm lý mặc cảm; nhưng rồi anh được gia đình, các hội đoàn thể quan tâm động viên. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quyên góp được 7 triệu đồng ủng hộ để anh Thống có vốn làm ăn và anh đã cất một trại mộc nhỏ, mua dụng cụ để làm nghề mộc gia dụng. Những sản phẩm anh làm ra mẫu mã đẹp, chắc chắn nên được nhiều người đặt hàng. Sau một thời gian tích góp vốn, anh mở rộng quy mô sản xuất và thuê nhân công. Hiện xưởng mộc của anh Thống giải quyết việc làm cho 5 lao động, với thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Giờ đây, cuộc sống gia đình anh Thống đã ổn định và anh được mọi người tin tưởng.
3.
Ba năm để đời mình vật vờ theo khói thuốc của “cái chết trắng”, anh Thanh Hùng (SN 1975, nhà ở TP Quy Nhơn), nhẩm tính: Nếu quy tiền theo thời giá hiện nay, thì có lẽ tôi đã “đốt” khoảng gần 2 tỉ đồng. Số tiền tôi lăn lộn làm ăn gần 15 năm trời kiếm được trôi còn nhanh hơn cát chảy trong tay. Bởi vậy, giờ gặp lại cảnh sát điều tra về ma túy đã bắt tôi ngày đó, tôi còn trách: “Giá mà ông bắt tôi sớm hơn thì tốt rồi”.
Hùng “đi trại” 4 năm; năm 2009, anh được “ra trại” và bắt đầu lại công việc kinh doanh, mua bán, dịch vụ cho đến nay. “Nếu giờ tôi còn “lún” vào ma túy, nếu không “xanh cỏ” thì cũng đã thành kẻ chẳng ra gì. Những người bạn đồng hội đồng thuyền ngày xưa, khi biết tôi trở về đã thử tới rủ rê, nhưng tôi cạch hẳn. Mất mát một lần đã quá đủ rồi…” - anh Hùng nói.
4.
Có lẽ, trong cuộc đời, không ai tránh khỏi lỗi lầm, nhưng điều quan trọng hơn là sớm nhận ra nó và tự rèn luyện để đừng vấp lại sai phạm. Tại buổi tọa đàm “Phòng chống vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh”, anh Võ Văn Thống tâm sự: “Nếu không có sự giúp đỡ và tấm lòng bao dung, nhân ái của cán bộ, nhân dân địa phương, không biết bây giờ gia đình tôi sẽ ra sao. Tôi mong các bạn trẻ hãy học hỏi những điều hay, lẽ phải; tránh xa những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội; rèn luyện để trở thành công dân có ích cho xã hội”.
|