|
Hai SV Nguyễn Duy Nam Anh (bìa trái) và Trần Bá Đức (bìa phải): “Chúng tôi bắt trộm là chuyện nhỏ thôi mà”. |
Chuyện về SV Phan Minh Lực (năm 3 Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường ĐH Quang Trung) dũng cảm bắt trộm, bị đâm trọng thương, đang điều trị tại BVĐK tỉnh, mấy ngày gần đây vẫn đang là “sự kiện” nóng liên quan đến chủ đề người dân tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng phòng chống tội phạm.
Trước đó không lâu, ngày 14.9, hai SV Trường ĐH Quy Nhơn là Nguyễn Duy Nam Anh (SN 1991, quê ở Gia Lai, năm 4 Khoa CNTT) và Trần Bá Đức (SN 1991, quê ở Hà Tĩnh, năm 3 Khoa Giáo dục thể chất - Quốc phòng) cũng đã bắt được hai tên trộm xe đạp.
SV Nam Anh kể lại: “Khoảng 2 sáng ngày 14.9, tôi đang ngủ thì nghe có tiếng động nên giật mình thức giấc, nhìn ra thì thấy có 2-3 người thập thò trước nhà trọ, tôi hô lên thì họ chạy mất. Trước đó, khu trọ cũng đã từng bị mất trộm xe máy, vi tính xách tay nên tôi nghĩ chắc là bọn trộm, “bị động” lần này, chắc thể nào chúng cũng quay lại vì trước dãy trọ có để 3 xe đạp. Tôi và Đức quyết định phục bắt trộm. Quả thật, khoảng 4 giờ sáng thì bọn chúng quay lại lấy xe. Chờ bọn chúng dắt xe ra khỏi cổng, chúng tôi mới đuổi theo bắt và đưa lên CA phường Ngô Mây... ”. Hai tên trộm bắt được là Lý Hoàng Lợi (15/11 Lương Định Của, Quy Nhơn) và Lê Gia Bảo (274 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn). Trong 4 chiếc xe đạp mà CA thu được từ chúng, có 3 chiếc thuộc về nhà trọ của Anh, Đức.
Kể lại chuyện bắt trộm, cả hai SV này khiêm tốn nhận “chuyện nhỏ thôi mà”. Riêng Đức tâm sự thêm: “Ban đầu, tôi cũng sợ bị trả thù vì hai tên trộm này thường chơi game gần nơi chúng tôi trọ, nhưng nghĩ lại, mình làm điều đúng thì chắc hẳn sẽ có nhiều người đứng ra bảo vệ, bênh vực mình mà…”.
Theo thống kê của CA tỉnh, trong 10 năm thực hiện Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ (2001-2011), quần chúng nhân dân đã cung cấp trên 21.600 nguồn tin giúp cơ quan CA điều tra, khám phá 13.281 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực cùng với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã xuất hiện những cá nhân điển hình của việc “giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha”.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân mang tâm lý “an phận thủ thường”, “người ngay sợ kẻ gian” nên không dám mạnh dạn đấu tranh, lên án các hành vi phạm pháp. Ngay chính SV Phan Minh Lực cũng buồn khi kể lại rằng trong đêm anh em họ đuổi bắt trộm trên đường phố, dù họ đã kêu ứng cứu “trộm, trộm” song những người có mặt lúc đó vẫn bàng quan, không hỗ trợ. Đây quả là một vấn đề đáng quan tâm, suy nghĩ. Và, như lời nhận xét của thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Phó Trưởng CA TP Quy Nhơn: “Việc của Lực làm có thể bình thường như Lực tâm sự, nhưng trong thực tế vẫn chưa có nhiều người dám làm điều bình thường đó…” .
Một xã hội an toàn thực sự không thể chỉ dựa vào cơ quan lực lượng chức năng, mà cần có sự vào cuộc, tham gia tích cực từ phía người dân. Làm thế nào để mỗi người dân khi cần đều có thể là “tai mắt” của CA, dũng cảm đương đầu với kẻ gian? Thiết nghĩ, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu và tích cực tham gia, thì một cơ chế bảo vệ nhân chứng hiệu quả cũng như kịp thời khen thưởng, động viên, biểu dương “người tốt việc tốt” là điều rất cần thiết.
|