Cách đây gần 1 năm, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện một vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản của Công ty cổ phần An Trường An (Công ty ATA). Trong quá trình điều tra làm rõ vi phạm, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện đơn vị này còn có nhiều vi phạm khác, đã cho thấy công tác hậu kiểm doanh nghiệp (DN) sau thành lập còn lỏng lẻo…
Từ một vụ vi phạm hành chính...
Ngày 11.1.2012, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế - Công an tỉnh đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số VII tiến hành kiểm tra 15 xe ben có dấu hiệu vi phạm pháp luật vận chuyển trên 434 tấn titan thô của Công ty ATA đổ tại kho Vitranschat (TP Quy Nhơn). Tại thời điểm kiểm tra, ông Đào Minh Tùng, Phó giám đốc Công ty ATA - đại diện Công ty ATA - xuất trình các giấy tờ có liên quan, trong đó có 15 phiếu xuất hàng kiêm vận chuyển lập ngày 10.1.2012. Các phiếu xuất hàng này do Công ty ATA tự tạo, chưa đăng ký mẫu tại Cục Thuế tỉnh, có nội dung, hình thức không đúng theo quy định, nên các cơ quan chức năng đã có quyết định tạm giữ lô hàng này và 15 xe ben để điều tra, xác minh xử lý theo quy định pháp luật.
|
Việc thực hiện Luật DN và công tác hậu kiểm không chặt chẽ dẫn đến có DN khai thác titan đã lợi dụng trong hoạt động sản xuất khai thác, chế biến và kinh doanh. Ảnh minh họa |
Trong quá trình điều tra, Công ty ATA cung cấp báo cáo kết quả hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảng kê hàng titan tồn kho Vitranschat từ tháng 1.2011 đến ngày 16.2.2012. Qua so sánh cho thấy, lượng titan tồn tại kho Vitranschat nhiều hơn lượng khai thác thực tế theo báo cáo kết quả hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty. Ngoài ra, Công ty ATA không cung cấp bảng kê hàng titan thô tồn kho tại Mỹ Thành (Phù Mỹ). Như vậy, tại thời điểm tạm giữ 434 tấn titan thô vào ngày 11.1.2012, thì lượng titan thô tại mỏ Phù Mỹ bằng không, nên Công ty ATA không còn titan thô để vận chuyển về kho Vitranschat.
Từ các tài liệu phân tích nêu trên và qua làm việc, Công ty ATA không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của lô hàng 434 tấn titan thô, nên các cơ quan chức năng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vụ việc theo thẩm quyền.
Ngày 4.4.2012, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định số 642/QĐ-XPHC về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty ATA. Hình thức phạt hành chính: Phạt tiền 3,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm mua bán, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Hình thức phạt bổ sung: Tịch thu 434 tấn titan thô không có nguồn gốc hợp pháp.
...đến phát hiện hàng loạt sai phạm
Ngoài vi phạm nêu trên, theo kết luận của các ngành chức năng tỉnh, trong quá trình hoạt động, Công ty ATA còn có nhiều sai phạm khác. Cụ thể, Công ty ATA không thực hiện đúng giấy phép UBND tỉnh cấp khai thác khoáng sản titan chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chủ yếu khai thác và bán titan thô.
Công ty ATA cũng không thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng theo quy định tại giấy phép khai thác khoáng sản của tỉnh cấp cho đơn vị và Thông báo số 02/TB-SCT ngày 14.1.2009 của Sở Công Thương: Báo cáo định kỳ hàng tháng sản lượng khai thác, tuyển tách phân theo hàm lượng và chủng loại, sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cho mỗi loại quặng hoặc sản phẩm theo quy định về Sở Công Thương.
|
Phiếu xuất hàng do Công ty ATA tự tạo, chưa đăng ký mẫu tại Cục Thuế tỉnh. |
Trong quá trình khai thác titan thô tại mỏ Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), Công ty ATA không có giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm dưới đất, vi phạm Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17.3.2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Ngoài ra, quá trình làm việc với các cơ quan chức năng, Công ty ATA không thành khẩn khai báo, khai báo không trung thực. Cụ thể, Công ty đã báo cáo với Chi cục QLTT sản lượng khai thác titan thô đến tháng 11 năm 2011 chỉ có 11.500 tấn, nhưng sau khi Thanh tra tỉnh làm việc tại Công ty ATA đã phát hiện trong năm 2011 Công ty đã khai thác tới 24.460 tấn titan thô… chưa khai báo nộp thuế.
Cần “hậu kiểm” chặt chẽ
Theo Thường trực Ban chỉ đạo 127 tỉnh: Sau khi UBND tỉnh ra quyết định xử phạt, Công ty ATA đã có đơn kêu oan cho rằng quyết định của UBND tỉnh là xử ép DN. Ngày 5.10.2012, Thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh đã làm việc với ông Trương Đình Xuân (Giám đốc Công ty ATA) về vấn đề này. Sau 2 giờ làm việc, Thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh đã thông báo với ông Trương Đình Xuân các nội dung nêu trên với tinh thần trao đổi, giải thích để nhận thấy các sai phạm theo quy định pháp luật, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 127 tỉnh xem xét giải quyết 434 tấn titan thô cho Công ty ATA. Tuy nhiên, với thái độ bất hợp tác, quanh co, ông Trương Đình Xuân không ký vào biên bản làm việc, mặc dù qua phân tích ông đã thừa nhận các sai phạm nêu trên là hoàn toàn đúng. |
Chính sách phát triển kinh tế của nước ta trong nhiều năm qua đã ngày càng tạo hành lang pháp lý, môi trường thể chế và tâm lý xã hội tốt cho các DN phát triển. Đặc biệt, kể từ khi Luật DN sửa đổi đi vào cuộc sống (năm 2005), cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh về số lượng lẫn quy mô hoạt động. Với tinh thần chủ đạo là “DN được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”, chuyển từ “cấp phép kinh doanh” sang “đăng ký kinh doanh”, Luật DN sửa đổi đã làm giảm đáng kể thời gian và chi phí đăng ký thành lập DN. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, sự thông thoáng của Luật DN cộng với công tác hậu kiểm không được thực hiện một cách chặt chẽ đã dẫn đến những “lỗ hổng” trong công tác quản lý.
Theo các chuyên gia kinh tế, công tác hậu kiểm của nhà nước về hoạt động kinh doanh của DN sau thành lập có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài việc giám sát DN hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, hậu kiểm còn giúp DN tạo ý tưởng kinh doanh, kiểm tra chất lượng, dịch vụ mà DN cung cấp ra thị trường và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Vấn đề này được các bộ, ngành Trung ương nhìn thấy và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 419/QĐ-TTg, ngày 11.4.2012 và đang triển khai thực hiện). Đề án tập trung vào mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với DN sau thành lập, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh năng động; đồng thời loại bỏ những DN làm ăn bất hợp pháp.
|