Những năm gần đây, vấn nạn trộm chó xảy ra khắp nơi, từ nông thôn cho đến thành thị. Bọn trộm chó ngày càng lộng hành và manh động hơn hoành hoành khắp nơi. và tại các điểm thu mua chó, nay lại xuất hiện một loại dịch vụ “trời ơi”- Ðó là cho chuộc... chó.
Thời gian gần đây, bọn trộm chó không chỉ hoạt động vào ban đêm mà còn “hành nghề” ngay cả ban ngày. Bọn chúng thường có 2 người, sử dụng xe gắn máy đi khắp các nẻo đường để tìm chó rồi ra tay bắt trộm.
|
Chó bị nhốt tại các điểm thu mua chó để chờ đưa đi tiêu thụ tại một quán thịt chó ở TX An Nhơn. |
Anh Nguyễn Văn Mười ở thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát - người bị trộm chó, kể lại: Khoảng 12 giờ trưa một ngày đầu tháng 10, anh thấy có 2 người đàn ông đứng trước cổng nhà mình nói chuyện gì đó. Khi anh ra ngõ xem có chuyện gì, 2 người đàn ông nói rằng đang đi tìm nhà người quen rồi lên xe máy bỏ đi. Khoảng 15 phút sau, khi đang ở trong nhà, anh Mười nghe có tiếng xe, chạy ra thì thấy 2 người đàn ông lúc nãy đang “cắp nách” con chó của mình lao đi vun vút.
Gần đây (tháng 8.2012), lực lượng Công an huyện Hoài Nhơn đã triệt phá một băng trộm chó hoạt động tại địa phương này. Lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ phương tiện bọn trộm chó sử dụng để hoạt động gồm 1 ná cao su, 20 viên bi thủy tinh, 1 can nhựa đựng ớt bột, 1 cây sào gắn dây thòng lọng...
Tên trộm chó bị bắt khai nhận, mỗi khi hoạt động, bọn chúng thường chia nhau thành 3 tốp. Tốp thứ nhất điều khiển mô tô nẹt pô để dụ chó ra ngoài đường; tốp thứ 2 dùng cây gỗ, súng bắn điện tấn công hoặc dùng thòng lọng để bắt chó; tốp thứ 3 chạy sau cản đường nếu bị truy đuổi…
Cùng với nạn trộm chó, một số điểm thu mua chó còn kiêm luôn dịch vụ cho chuộc... chó đã bị mất.
Đầu tháng 10.2012, trong vai người bị mất chó, chúng tôi tìm đến quán thịt cầy T.D ở phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) để tiếp cận dịch vụ này. Không một chút e dè, ông T. (chủ quán T.D) để chúng tôi vào tận “hang ổ” tìm chú chó cưng vừa bị mất trong hàng trăm con chó đang bị nhốt trong những chiếc lồng sắt phía sau quán.
Ông T. khá sốt sắng cho biết, nếu chó bị mất ở Cát Tiến, Phù Cát (tôi tự giới thiệu nhà ở Cát Tiến, Phù Cát) thì phải vào các điểm thu mua ở phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) tìm mới hy vọng có được. Bởi nếu ra tay trộm chó ở đó, bọn “cẩu tặc” thường đưa về tiêu thụ tại các điểm thu mua ở Quy Nhơn chứ không bán tại An Nhơn.
Khi chúng tôi đề cập tới giá tiền chuộc, ông T. nói thẳng: “Tui thì lấy theo giá thị trường thôi, nghĩa là 1 ký chó hơi giá 50.000 đồng”.
Sau một hồi tìm kiếm nhưng không có kết quả, chúng tôi được ông T. hướng dẫn: “Nếu mấy chú muốn tiếp tục tìm thì có thể tới điểm thu mua chó của ông B.A ở khu vực Kim Châu, thị xã An Nhơn, quán thịt chó A.L ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước hay một số điểm thu mua chó ở phường Bùi Thị Xuân xem sao”.
Theo lời ông T., chúng tôi tiếp tục tới những địa điểm nói trên để tìm chó. Tất cả những địa điểm mà chúng tôi đến đều đang nhốt một lượng chó khá lớn bên trong, phần lớn do bọn trộm chó mang đến.
Câu hỏi đặt ra là tại sao hoạt động mua bán như trên lại diễn ra một cách công khai và dường như không có một sự kiểm tra nào của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Có thể xử lý hình sự
Nạn trộm chó đang rộ lên khắp cả nước với tính chất ngày càng táo tợn. Hành lang pháp lý để xử kẻ trộm, người tiêu thụ tài sản trộm đã được luật pháp quy định rõ.
Theo một bài phân tích trên báo NLĐ, Điều 138 Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội “Trộm cắp tài sản” ở khoản 1 (khoản cơ bản) quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Với quy định trên, để nghiêm trị các đối tượng trộm chó thì bất cứ vụ trộm nào phát hiện đều cần được điều tra, xác minh và xử lý triệt để. Trong đó, cần làm đến nơi đến chốn việc định giá tài sản trộm cắp để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Những trường hợp sau khi định giá mà trị giá tài sản trộm dưới 2 triệu đồng thì cơ quan tố tụng cần mạnh dạn áp dụng quy định “dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý hình sự.
Mạnh dạn xác định việc trộm chó gây hoang mang cho nhân dân trong một vùng, một địa bàn nhất định, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương là gây hậu quả nghiêm trọng để truy tố kẻ trộm cho dù tài sản trộm trị giá chưa đến 2 triệu đồng.
Với người tiêu thụ chó có nguồn gốc do trộm cắp mà có, để xử lý thì phải bắt được kẻ trộm chó, phải xác định được kẻ trộm đã bán cho người mua, người mua biết được rằng chó đó là do trộm mà có nhưng vẫn đồng ý mua. Vì vậy cơ quan chức năng khi tiến hành điều tra xử lý một vụ trộm chó cần quyết liệt điều tra mối liên hệ giữa kẻ trộm và người tiêu thụ, bằng biện pháp nghiệp vụ để tìm chứng cứ truy cứu trách nhiệm người tiêu thụ chó trộm theo tội danh “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định ở điều 250 BLHS. | |