Vừa qua, HÐND tỉnh đã giám sát việc chấp hành pháp luật trên lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là GCN) năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 tại một số địa phương thuộc huyện Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và TP Quy Nhơn. PV Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế HÐND tỉnh, Trưởng Ðoàn giám sát, về kết quả của đợt giám sát.
* Nhận định chung của ông về những tồn tại trong việc chấp hành pháp luật trên lĩnh vực cấp GCNQSD đất và quyền sở hữu nhà qua giám sát thực tế như thế nào, thưa ông?
- Theo tôi, một trong những vướng mắc lớn nhất mà các địa phương đang gặp phải là việc áp dụng Nghị định 120/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất. Người dân đóng nhiều tiền để hoàn tất nghĩa vụ tài chính thì mới được cấp GCN. Bởi, Nghị định này quy định, trường hợp sử dụng đất trước ngày 15.10.1993, thu tiền sử dụng đất bằng 50% theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở mới; thu bằng 100% theo giá đất ở do UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm cấp GCN đối với diện tích ngoài hạn mức giao đất ở.
|
Người dân phường Đống Đa đến nộp hồ sơ đăng ký cấp GCNQSD đất tại UBND phường. Ảnh: THU HÀ |
Tại TP Quy Nhơn, với quy định của tỉnh về diện tích đất ở trong hạn mức là 80m2, Chi cục thuế TP Quy Nhơn đã tiến hành thu tiền theo Nghị định trên. Kể cả những trường hợp người dân đã sử dụng đất ổn định từ trước năm 1993, thậm chí trước năm 1975, thì cũng chỉ được miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức là 80m2, phần vượt hạn mức phải nộp rất nhiều tiền. Vì lẽ này mà nhiều trường hợp người dân vì không đủ khả năng tài chính, nên đã thôi, không chịu làm GCN nữa. Trong khi đó, Chính phủ đã quy định đến năm 2013 cả nước phải hoàn thành việc cấp GCN cho người dân.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND TP Quy Nhơn đã kiến nghị nên xem xét lại việc có nên tiếp tục thực hiện Nghị định này nữa hay thôi.
* Việc áp dụng các quy định của Luật Đất đai và các thông tư, nghị định hướng dẫn dưới Luật của các địa phương có ảnh hưởng đến tiến độ cấp GCN cho người dân hay không?
- Chúng tôi thấy rằng vẫn chưa có sự thống nhất trong việc hiểu và áp dụng Luật Đất đai cũng như các thông tư, nghị định hướng dẫn có liên quan tại các địa phương. Như việc thực hiện Nghị định 120/NĐ-CP, tại Hoài Nhơn, nếu người dân có các giấy tờ cũ chứng minh đất đang sử dụng là đất ở thì sẽ được chính quyền huyện công nhận diện tích đất ở theo các giấy tờ trên. Nhưng tại TP Quy Nhơn, lại chỉ công nhận diện tích đất trong hạn mức đất ở do tỉnh quy định tại thời điểm xin cấp sổ đỏ, ngoài hạn mức thì phải đóng tiền.
Ngoài ra, việc thực hiện theo Thông tư số 16/2011/TT-BTNMT ngày 20.5.2011 (quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai) vẫn còn bất cập.
Đơn cử, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hoài Nhơn ghi vào giấy biên nhận là sau một tháng sẽ hoàn tất việc giao sổ; nhưng tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Quy Nhơn thì quy định thời gian cấp GCN là 33 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ đến khi chủ hộ hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Nhưng thế nào là hồ sơ hợp lệ thì người đang có nhu cầu làm sổ đỏ không thể biết được vì cho rằng hồ sơ đã được UBND xã, phường xác nhận là đã đầy đủ, và hợp lệ rồi. Tuy nhiên, thực tế đã có rất nhiều trường hợp dù đã có Giấy biên nhận của Văn phòng đăng ký rồi vẫn phải bổ sung thêm nhiều thủ tục giấy tờ mới có thể được coi là hồ sơ hợp lệ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng “lệ thuộc” vào người trực tiếp giải quyết hồ sơ. Vì vậy, thời gian được cấp GCN cũng bị kéo dài cho đến khi nào cung cấp đủ giấy tờ hợp lệ.
* Được biết hiện nay đang có những vướng mắc xung quanh Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 12.10.2009 của UBND tỉnh về quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Quyết định này quy định: đối với đất ở thì diện tích được tách thửa tối thiểu là 40m2, đất nông nghiệp tối thiểu là 300m2. Các địa phương phản ảnh, người dân có nhu cầu tách thửa nhưng vì vướng quy định này nên không thể thực hiện được. Việc này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân theo Luật Dân sự, Luật Thừa kế. Ngoài ra, một số tòa án địa phương cũng đang gặp phải những vướng mắc khi giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự liên quan đến việc phân chia tài sản là bất động sản. Do vậy, tòa có xu hướng thuyết phục đương sự nhận giá trị nhà được quy bằng tiền, nhưng đâu phải trường hợp nào cũng thành công.
* Những vướng mắc trên sẽ được kiến nghị như thế nào?
- Chúng tôi sẽ họp Đoàn Giám sát để tổng hợp các kiến nghị của địa phương cũng như phân tích, kết luận những bất cập trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước liên quan đến việc cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà, trên cơ sở đó sẽ báo cáo với Thường trực HĐND và HĐND tỉnh xem xét, giải quyết. Trong đó, sẽ có kiến nghị về quy định tách thửa theo Quyết định 41/QĐ-UBND theo hướng đảm bảo quyền lợi của công dân như Luật Dân sự đã quy định, song vẫn đảm bảo phù hợp với các quy định khác của pháp luật và mỹ quan đô thị. Đồng thời kiến nghị những bất cập trong thực hiện Nghị định 120/NĐ-CP tại các địa phương để cấp thẩm quyền cao hơn xem xét. Tôi cho rằng cần phải có sự thống nhất trong việc triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước và của UBND tỉnh trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đã được các văn bản của luật pháp quy định.
* Cảm ơn ông!
|