Bà Nguyễn Thị Thanh Quản (ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh huyện Tuy Phước ủy nhiệm việc đôn đốc tổ viên trả nợ, thu lãi, thu tiền tiết kiệm của tổ viên mang nộp cho Ngân hàng theo quy định. Lợi dụng danh nghĩa này, bà Quản đã “vay ké”, chiếm dụng khoảng 306 triệu đồng của 30 hộ dân địa phương…
Thời điểm chúng tôi về thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, thì bà Nguyễn Thị Thanh Quản đã không còn làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn nữa. Nhưng, hậu quả để lại thì vẫn còn.
Đưa cho chúng tôi xem cuốn Sổ vay vốn và tờ giấy xác nhận nợ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Quản, chị Quảng Thị Tuyết, một hộ nghèo ở Đội 3, nói: “Ngày 22.11.2010, tôi nhờ một người chị họ đứng ra bảo lãnh với bà Quản để tôi được vay 20 triệu đồng theo tiêu chuẩn hộ nghèo. Khi tôi nhận tiền thì bà Quản nói tiền vay mà không biết làm ăn coi chừng không trả được nợ. Thôi thì để chị giữ hộ cho, hàng tháng đưa cho ít trăm ngàn tiền lời mà tiêu. Nghe vậy tôi cũng chịu. Tháng 5.2011, sau khi nhận 8 triệu đồng tiền vay từ Chương trình nước sạch, tôi đưa cho bà Quản 6 triệu đồng. Bà Quản có nói sau 1- 2 năm sau sẽ trả lại tiền…”.
|
Đại diện các hộ dân bị bà Quản chiếm dụng vốn trình bày sự việc với PV Báo Bình Định. |
Giấy mượn tiền của bà Quản (có cả chữ ký của chồng bà Quản) cũng xác nhận: “Ngày 22.11.2010, mượn tiền của bà Mai Thị Như Tài 7 triệu đồng và của Quảng Thị Tuyết 18 triệu đồng, tổng cộng là 25 triệu đồng; ngày 14.5.2011, lấy thêm của bà Tuyết 6 triệu đồng, thời gian theo Nhà nước quy định phải trả”.
* Ngày 23.10, trao đổi với chúng tôi về sự việc trên, ông Trần Đình Học, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp nói: “Tôi cũng có nghe qua việc bà Quản “vay ké”, chiếm dụng vốn của một số hộ dân trong thôn Giang Nam. Nhưng sự việc cụ thể như thế nào thì chúng tôi đang chờ xác minh lại bởi đây là nguồn vốn được ủy thác qua kênh Hội LHPN…”.
* Bà Phạm Thị Nhung, Giám đốc NHCSXH chi nhánh huyện Tuy Phước: “Các hộ dân đã vay tiền của Ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm trả nợ vì họ đã trực tiếp vay tiền. Chúng tôi chỉ hỗ trợ cho họ bằng cách hướng dẫn họ tố cáo hành vi của bà Quản đến cơ quan CA huyện Tuy Phước…” . |
Chồng bà Tuyết cho biết thêm, hàng tháng, bà Quản đưa cho vợ chồng ông khoảng 400 - 500 ngàn đồng tiền lãi, nhưng sau khoảng 1 năm thì không đưa tiền lãi nữa. Tiền gốc cũng không thấy trả lại. “Vợ chồng tôi là hộ nghèo, nuôi bốn con nhỏ, vừa rồi Ngân hàng xuống đối chiếu nợ thì vợ chồng tôi còn nợ đến 26 triệu đồng. Giờ lấy gì mà trả”- ông than.
Theo phản ánh một số hộ dân thì tình trạng bà Quản “vay ké” hoặc đã chiếm dụng luôn số tiền gốc hoặc tiền lãi, tiền tiết kiệm không ít. Bà Đoàn Thị Vàng, 52 tuổi, vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, trình bày: “Bởi tin tưởng nên tôi đã nhờ bà Quản trả tiền gốc cho ngân hàng giúp vì vợ chồng tôi đi bán vé số cả ngày. Ngày 18.10.2010, tôi đưa cho bà Quản 6 triệu đồng nhờ trả nợ; ngày 13.9.2011, lại đưa tiếp cho bà 7 triệu đồng nữa. Bà Quản cũng xác nhận trong cuốn sổ vay như vậy. Tôi đinh ninh mình đã trả được 13 triệu, chỉ còn nợ 7 triệu đồng. Ngờ đâu…”.
Theo kết quả đối chiếu của NHCSXH tỉnh thì tổng số tiền mà bà Quản đã “vay ké” hoặc chiếm dụng vốn, tiền lãi và tiền tiết kiệm hàng tháng của 30 hộ dân trong thôn hiện khoảng 306 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc NHCSXH Bình Định, cho biết: “Sự việc này được Ngân hàng phát hiện khi tiến hành kiểm tra định kỳ. Dẫn đến tình trạng trên là do các hộ vay vốn không nhận thức được vấn đề, nên không thực hiện theo đúng quy định mà ngân hàng đã phổ biến: Ngân hàng không ủy thác cho tổ trưởng tổ vay vốn thu nợ gốc, mà chỉ ủy nhiệm việc thu tiền lãi và tiền tiết kiệm hàng tháng. Hộ dân phải tự đến điểm giao dịch xã nộp tiền gốc”.
Tuy nhiên, về vấn đề này, một số hộ đã nhờ bà Quản trả nợ gốc cho Ngân hàng nhưng bị bà Quản chiếm dụng, thắc mắc: “Mấy lần trước chúng tôi đều nhờ bà Quản trực tiếp đi nộp, bả về còn đưa lại cho chúng tôi phiếu thu của Ngân hàng, đâu thấy có chuyện gì đâu. Lần này khi sự việc vỡ lở thì Ngân hàng lại nói chúng tôi vi phạm quy định ?!”.
|