Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh (sau đây gọi chung là các phương tiện xe độ chế) thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, ngành chức năng của thị xã An Nhơn và một số UBND phường, xã trên địa bàn thị xã đã để xảy ra nhiều sai phạm, gây thất thoát của Nhà nước số tiền 843 triệu đồng.
Thực hiện Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 548) về hỗ trợ thay thế các phương tiện xe độ chế thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, UBND huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn) đã chi trên 3,68 tỉ đồng để hỗ trợ chuyển đổi nghề 654 trường hợp và hỗ trợ mua xe tải thay thế 103 trường hợp. Việc triển khai chính sách này góp phần giúp các chủ phương tiện chuyển đổi nghề; từng bước thực hiện mục tiêu, giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông nhưng trong thực hiện, một số cơ quan ở An Nhơn đã có không ít sai phạm phải xử lý.
|
Loại xe độ chế như thế này đã bị cấm lưu hành. Ảnh: T.M |
Xác định nhiều sai phạm
Ngành chức năng và UBND một số xã, phường để xảy ra các sai phạm về hồ sơ thủ tục như: chủ phương tiện không ghi ngày, tháng, năm và không ký tên vào đơn đề nghị hỗ trợ; sử dụng mẫu đơn đề nghị hỗ trợ không đúng; một số biên bản thẩm định không ghi đầy đủ các nội dung như ngày, tháng, địa điểm, họ tên cán bộ thẩm định, thậm chí một số trường hợp không có cả chữ ký của chủ phương tiện trên biên bản thẩm định...
Bên cạnh đó, Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) là cơ quan chuyên môn được UBND thị xã giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính kế hoạch (TCKH) thực hiện QĐ 548 nhưng không tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện; không tham mưu UBND thị xã ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định theo Thông tư số 122/TT-BCT của Bộ Tài chính. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho UBND các xã, phường không nắm bắt được các quy định, dẫn đến xác nhận sai đối tượng, sai mốc thời điểm.
Thêm vào đó, hầu hết hồ sơ được hỗ trợ chỉ có chuyên viên Phòng QLĐT, Phòng TCKH và UBND các xã, phường ký chứ không có chữ ký của lãnh đạo Phòng QLĐT, Phòng TCKH. Hầu hết các xã, phường không nắm cụ thể số lượng các loại phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông; sau khi có quyết định hỗ trợ không công bố công khai danh sách và mức hỗ trợ...
Tóm lại, các đơn vị có liên quan đã hỗ trợ sai đối tượng 149 trường hợp, gây thất thoát 703 triệu đồng; hỗ trợ sai mốc thời gian thực hiện hỗ trợ 35 trường hợp, gây thất thoát 140 triệu đồng.
Yêu cầu xử lý nghiêm túc
Theo nội dung Kết luận thanh tra số 06/KL-CTUBND ngày 18.10.2012 của Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, trách nhiệm chính trong việc để xảy ra những thiếu sót, sai phạm trên thuộc về một số lãnh đạo, cán bộ Phòng QLĐT; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và cán bộ các xã, phường trực tiếp ký hồ sơ hỗ trợ. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thị xã cũng đã đưa ra hình thức xử lý đối với các cá nhân để xảy ra sai phạm.
Cụ thể, 27 cá nhân (Phòng QLĐT 3 người; 12 xã, phường 24 người) phải thu hồi số tiền sai phạm 843 triệu đồng nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra thị xã An Nhơn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra. Nếu hết thời hạn phải thu hồi mà cá nhân nào (trong số 27 cá nhân để xảy ra sai phạm) không thu hồi được thì liên đới chịu trách nhiệm và phải bồi thường số tiền bị thất thoát.
Bên cạnh việc xử lý về mặt kinh tế, Chủ tịch UBND thị xã còn kiểm điểm nghiêm khắc và có hình thức xử lý kỷ luật đối với 9 cá nhân (Phòng QLĐT 3 người; UBND xã Nhơn Phúc, Nhơn Tân và phường Nhơn Hòa mỗi địa phương 2 người); kiểm điểm nghiêm túc trước tập thể cơ quan, UBND xã, phường để rút kinh nghiệm đối với 24 cá nhân (trong đó Phòng TCKH 2 người; các xã, phường 22 người).
Trưởng Phòng QLĐT, Phòng TCKH, Chủ tịch UBND các xã, phường có sai phạm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục; phối hợp và tổ chức thực hiện việc thu hồi số tiền sai phạm nộp vào ngân sách Nhà nước; phối hợp với Phòng Nội vụ tổ chức kiểm điểm các cá nhân sai phạm...
|