Tai nạn, thương tích tại cộng đồng
hiện đang có chiều hướng gia tăng, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và có
những tác động tiêu cực đến trật tự xã hội. Trước thực trạng đó, CA Bình Định đã
ban hành kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng đến năm 2015,
hiện đang được các đơn vị, CA huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
|
Tổng LĐLĐ Việt Nam phối
hợp với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam trao cặp phao cứu sinh cho học
sinh xã vùng lũ Phước Thắng (Tuy Phước), giúp các em phòng ngừa tai nạn trong
mùa mưa lũ. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
|
Mặc dù các
cấp, các ngành có nhiều cố gắng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, nhưng tai nạn,
thương tích tại cộng đồng vẫn chưa kiềm chế như mong muốn. Trong đó, tai nạn
giao thông chiếm đa số, tỉ lệ tử vong cao; ngoài ra còn có các tai nạn khác như
đuối nước, bỏng, ngộ độc, tai nạn lao động, bạo lực gia đình, xã hội…, gây hậu
quả nghiêm trọng, bức xúc trong nhân dân. Một số vụ xảy ra gần đây cho thấy thực
trạng đang lo ngại đó.
Ngày 20.10.2012, Cơ quan CSĐT CA
huyện Tây Sơn đã khởi tố bị can bắt tạm giam Phạm Văn Dư (SN 1977, ở xã Bình
Nghi, Tây Sơn) về tội bức tử. Nạn nhân trong vụ án này là chị Phạm Thị Loan (SN
1978, vợ của Dư) thường xuyên bị Dư đánh đập, hành hạ. Chiều ngày 8.8, Dư đi
nhậu về vô cớ gây chuyện đánh chị Loan, sau đó bồng con đi chơi. Uất ức, chị
Loan uống thuốc sâu tự tử, khi được người nhà phát hiện thì đã muộn. Phạm Văn Dư
thừa nhận do y thường xuyên ngược đãi, đánh đập chị Loan nên dẫn đến việc chị có
hành động tiêu cực trên. Nếu chị Dư có chỗ dựa, có một nơi nào đó để tâm sự,
tham vấn, được cán bộ hội, đoàn thể gần gũi thấu hiểu… sự tình có thể đã không
xấu đến thế.
Kế hoạch phòng, chống tai nạn,
thương tích tại cộng đồng đến năm 2015 nhằm vào mục đích cùng các ngành, các cấp
trong tỉnh và cộng đồng nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn thương tích, hạn
chế thấp nhất tử vong, tàn tật do tai nạn thương tích gây ra; tăng cường phòng
ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm trật tự ATGT,
tội phạm xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, xã hội…
Theo đó, CA các cấp trong tỉnh tham
mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong
tình hình mới”, đề cao trách nhiệm của cộng đồng và gia đình trong trong việc
quản lý, giáo dục, ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi
phạm pháp luật; đẩy mạnh hoạt động của các ban, ngành, hội đoàn thể trong việc
hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở nhằm hạn chế
các nguyên nhân dẫn đến tai nạn, thương tích; tăng cường công tác phát động
phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Cùng với các biện pháp trên, các lực
lượng chức năng CA tỉnh, CA huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện công
tác nghiệp vụ nhằm phòng chống tai nạn thương tích hiệu quả như: Duy trì công
tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT, quản lý giáo dục thanh thiếu
niên chậm tiến, điều tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở internet, quán bar, nhà
hàng, khách sạn vi phạm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân phát sinh tội
phạm; điều tra, xử lý nhanh các vụ phạm pháp liên quan đến bạo hành gia đình, xã
hội nhằm trấn áp, răn đe đối tượng…
|