Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tăng mức xử phạt cao hơn đối với một số hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, đồng thời mở rộng các trường hợp áp dụng biện pháp phạt bổ sung, nhằm răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, tránh tình trạng “nhờn luật”. Đây cũng là cơ sở pháp lý cần thiết để lực lượng chức năng tăng cường công tác giáo dục, xử lý người vi phạm. Báo Bình Định đã phỏng vấn thiếu tá Ngô Cự Vinh, Phó Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, CA tỉnh, về vấn đề này.
|
CSGT CA tỉnh xử phạt người vi phạm quy định trật tự ATGT. Ảnh: THU HÀ |
* Thưa ông, cụ thể việc xử phạt sẽ tăng nặng đối với nhóm hành vi vi phạm nào?
- Đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, mức phạt được tăng lên rất cao, gấp từ 1,5 đến 3 lần so với mức phạt cũ.
Cụ thể, đối với người điều khiển phương tiện trên đường mà nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt cao nhất là 3 triệu đồng (đối với mô tô, xe máy) và 15 triệu đồng (đối với ô tô). Trong khi đó, Nghị định 34 quy định mức phạt cho lỗi này tối đa là 1 triệu đồng và 6 triệu đồng. Mặt khác, nếu người vi phạm không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng, tước GPLX 60 ngày, cao gấp đôi so với mức xử phạt cũ. Xe chạy quá tốc độ sẽ bị phạt tiền tối đa đến 3 triệu đồng (đối với mô tô, xe máy) và 10 triệu đồng (đối với ô tô)…
Nếu chủ phương tiện (ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng) không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định; không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông sẽ bị phạt 8 triệu đồng (gấp đôi mức cũ). Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển mô tô từ 50cm3 trở lên bị phạt đến 600 ngàn đồng và bị tạm giữ xe 10 ngày. Người điều khiển phương tiện có hành vi gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền đến 12 triệu đồng cùng biện pháp ngăn chặn là tạm giữ phương tiện 10 ngày, tước quyền sử dụng GPLX.
|
Thiếu tá Ngô Cự Vinh |
Đặc biệt, Nghị định 71 quy định trường hợp khi bị tạm giữ giấy tờ xe, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc ghi trong biên bản, người vi phạm chưa giải quyết xong vụ việc mà lại tiếp tục đưa phương tiện ra tham gia giao thông, thì sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
* Để đảm bảo trật tự ATGT, thời gian đến, lực lượng CSGT tỉnh sẽ tập trung xử phạt các nhóm hành vi vi phạm nào thưa ông?
- Để góp phần hạn chế TNGT, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường xử phạt nhóm hành vi là lỗi trực tiếp gây ra TNGT, như: Vượt quá tốc độ quy định, sử dụng rượu bia quá mức cho phép, không chấp hành tín hiệu giao thông, lạng lách đánh võng, đua kéo xe trên đường. Nghị định 71 đã có hiệu lực thi hành thì mức phạt các lỗi này sẽ cao hơn trước rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng mọi người dân khi ra đường phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về trật tự ATGT.
* Cảm ơn ông!
|