|
Một vụ án được đưa ra xét xử có các bị cáo ở độ tuổi vị thành niên. |
Chúng ta đã bỏ ra nhiều công sức cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng với cách làm như hiện nay thì pháp luật khó có thể thâm nhập vào những đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.
Một nhân thân không tốt, một môi trường sống không lành mạnh là những điều kiện dễ khiến thanh thiếu niên sa vào con đường phạm tội. Họ là những đối tượng đã bị xử lý hành chính nhiều lần, đối tượng có tiền án, tiền sự, bỏ học, tụ tập băng nhóm, đua đòi ăn chơi; những người biếng nhác, không muốn lao động nhưng lại thích hưởng thụ; trẻ em cơ nhỡ, lang thang; những người nghiện rượu, ham mê cờ bạc, người có lối sống buông thả, côn đồ, hung hãn…
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thụ lý và thực hiện bào chữa trên 560 vụ án hình sự, trong đó gần 80% người vi phạm pháp luật ở độ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi), tập trung chủ yếu là các tội: Cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp tài sản, hiếp dâm… Đa số đối tượng có hành vi phạm tội đã bị đưa ra xét xử trước tòa án đều hiểu biết về pháp luật rất kém, đặc biệt là pháp luật hình sự, thậm chí không biết việc mình làm là phạm tội.
Những đối tượng này, do có lối sống thiếu lành mạnh, trình độ học vấn thấp, nhận thức về pháp luật hạn chế, lại không tham gia sinh hoạt cùng với các tổ chức, đoàn thể ở địa phương… nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến họ rất khó.
Theo tôi, để đưa pháp luật đến được đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, cần có một cơ chế tuyên truyền tập trung cho cơ sở, từ tài liệu, chương trình, nội dung đến con người thực hiện. Để thực hiện được việc này, cần mở rộng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, đồng thời có sự hỗ trợ, phối hợp giữa các ngành công an, tư pháp, Mặt trận, đoàn thể và chính quyền cơ sở. Trong xử lý vi phạm phải kết hợp với giáo dục, tuyên truyền pháp luật; mặt khác, cần có hình thức thu hút đối tượng đến những tụ điểm sinh hoạt chuyên đề pháp luật. Việc đưa những đối tượng vi phạm nhiều lần ra kiểm điểm trước cộng đồng dân cư, tổ chức tập trung học tập pháp luật hoặc truy tố, đưa ra xét xử lưu động… lâu nay chúng ta vẫn làm, song chưa tạo được bước đột phá, đổi mới về cách thức tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, răn đe đối tượng có nguy cơ phạm tội cao. Điều này cần được thay đổi. Mặt khác, khi đối tượng đã vi phạm bị xử lý đưa vào trại giam, trường giáo dưỡng, hay giáo dục tại cộng đồng, thì các xã, phường, thị trấn đều phải nâng cao chất lượng cải tạo giáo dục, nhất là giáo dục ý thức chấp hành pháp luật để họ không tái phạm.
Cùng với sự cố gắng của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể thì vai trò của gia đình trong việc giáo dục, động viên con em tham gia học tập, sinh hoạt để hiểu biết pháp luật là rất quan trọng. Không bậc cha mẹ nào, gia đình nào muốn con em mình đi vào con đường phạm tội. Vì vậy, đây chính là chỗ dựa cho hoạt động tuyên truyền pháp luật phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao nói riêng.
|