Cùng chung một gốc, nhưng vụ kiện tụng, tranh chấp quyền quản lý, trông coi hương hỏa từ đường đã phần nào làm quan hệ gia tộc, nguồn cội giữa những người trong họ sứt mẻ, hao mòn…
Vụ việc được tóm tắt như sau: Tộc họ Hà ở thị xã An Nhơn, tồn tại đã hơn 100 năm nay, chia ra làm 3 phái. Năm 1982, Hội đồng gia tộc nhất trí giao cho ông H.A. là người trông coi, cai quản phần nhà, đất từ đường. Ông A. được phép ở, canh tác hoa màu trên đất từ đường để lo hương khói tổ tiên; sau khi tu sửa nhà từ đường, được phép cất thêm gian nhà ở để gia đình sinh hoạt.
Năm 2006, ông A. mất, người con trai út của ông tên H.V.H. tiếp quản trông coi. Năm 2010, khi ông H. xây dựng một ngôi nhà kiên cố, sát nhà từ đường thì việc kiện tụng bắt đầu phát sinh.
Giành nhà, đất từ đường
3 người đàn ông đã trên 60 tuổi là đồng nguyên đơn, đại diện cho tộc họ Hà cùng trình bày: H. không những tự ý xây ngôi nhà kiên cố sát vách nhà từ đường, để nền nhà mình cao hơn nền nhà của từ đường, mà còn có hành vi ngăn cản, không cho dòng họ sửa lại tường rào và xoay hướng cổng ngõ. Khi dòng họ phản đối, H. lại viện rằng khu đất này (rộng 736m2, tại thị xã An Nhơn) đã được Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho cha của mình, nên mình có quyền sử dụng, không ai được quyền ngăn cản. Nhiều lần hòa giải không thành, cực chẳng đã, hơn 40 người là con cháu họ Hà, ủy quyền cho các ông khởi kiện ông H. “Đến đời tôi đã là đời thứ 13 rồi đấy. Thằng H. thuộc hàng con cháu…”- ông H.V.B., một trong 3 nguyên đơn nói vậy.
Trong phiên tòa sơ thẩm, hai người con trai của ông H.A. là H.V.H. và H.V.T. cũng thừa nhận, mảnh đất này, tuy đã được giao quyền sử dụng cho cha của họ, nhưng đây là phần đất của từ đường họ Hà.
Tòa kết luận, thửa đất này là đất của họ Hà, có giấy tờ, nguồn gốc hẳn hoi, đã qua nhiều đời, thay đổi nhiều người quản lý nhà từ đường. Năm 1993, khi ông H.A xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND huyện đã xem xét tình hình thực tế, cấp cho gia đình ông một thửa đất rộng 200m2 sử dụng lâu dài, đồng thời cấp thêm cho ông H.A. thửa đất có diện tích 736 m2 - chính là thửa đất từ đường của dòng họ Hà (trong đó có 200m2 đất ở sử dụng lâu dài và 536 m2 đất vườn có thời hạn sử dụng đến năm 2013), trong khi bình quân đất ở trên địa phương chỉ là 200m2/hộ. Điều này cộng với lời khai của anh em ông H. và T., cho thấy đủ cơ sở để xác định, thửa đất có diện tích 736 m2 mà ông H.A. kê khai và được cấp quyền sử dụng là của dòng họ Hà, ông H.A. chỉ là người thay mặt dòng họ quản lý tài sản.
Tòa sơ thẩm tuyên xử: Hai người con trai của ông H.A phải giao lại ngôi nhà từ đường, ngôi nhà của vợ chồng ông H. mới xây, cùng với công trình phụ được xây dựng trên mảnh đất của dòng họ Hà. Đại diện họ Hà phải có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông H.V.H. số tiền xây dựng nhà gần 90 triệu đồng, cùng 20 triệu đồng mà ông H.A. đã sửa chữa, xây nhà từ đường vào năm 1991 và giao cho ông H.V.T. quản lý số tiền này.
Phía bị đơn kháng cáo.
Đất nặng hơn tình
Gần 7 tháng sau, họ lại có mặt ở phiên tòa phúc thẩm. Phía bị đơn mời thêm luật sư để bảo vệ quyền lợi.
Ông H.V.T., anh trai của ông H., phân bua: “Bao nhiêu năm qua cha chúng tôi đã làm tròn bổn phận với dòng họ. Cha mất, em H. cũng lo việc thờ cúng đàng hoàng. Vì bí bách chỗ ở nên em nó xây dựng một căn nhà sát bên từ đường để ở. Dòng họ đòi đất, buộc nó tháo dỡ hoàn toàn căn nhà, chẳng phải là bất công hay sao…”.
Chủ tọa phiên tòa phân tích: “Anh H. thuộc diện hộ nghèo của xã, 2 trong số 5 đứa con lại bị thiểu năng trí tuệ. Vậy liệu tộc họ có thể tiếp tục cho anh H. được ở trên đất của từ đường, tiếp tục lo việc thờ cúng tổ tiên được không? Nếu không chấp nhận, nguyên đơn có đồng ý tăng thêm phần bồi thường cho anh H., hỗ trợ một phần xây nhà mới?”.
3 đồng nguyên đơn đều lắc đầu: “Chúng tôi đại diện cho ý chí của cả dòng họ. Mà cả dòng họ đều không đồng ý để cháu H. tiếp tục quản lý từ đường nữa; vả lại, số tiền đền bù gần 90 triệu đồng cũng là do mọi người đồng ý góp lại bồi thường. Vậy nên, chúng tôi không thể tự ý quyết được mọi việc…”.
Trong suốt cả phiên tòa, ông H. hầu như không nói được gì khác ngoài việc trước sau chỉ xin được tiếp tục ở lại trên đất của dòng họ. Tòa hỏi gì, H. cũng đều viện nhờ anh trai. Phía bên kia, những người đang lớp cha chú của H. lắc đầu: “Mọi việc là do anh nó bày biểu”.
Căng thẳng có lúc bị đẩy lên cao khi phía bị đơn cho rằng việc kiện tụng chỉ do một số người trong họ “khuấy động”. Có lúc bên nguyên đơn đã mất bình tĩnh khi luật sư trưng thêm bằng chứng là giấy xác nhận của một người trong họ xác nhận đã không ký vào tờ đơn khởi kiện. Phía bị đơn gật gù trước lời bào chữa hùng hồn của luật sư. Phía bên này, thi thoảng một trong những đồng nguyên đơn rút khăn lau mặt. Chốc chốc, lại trả lời điện thoại: “Đang còn căng, chắc phải ra đến Trung ương chứ chẳng chơi”.
“Tộc họ cũng đã nhiều lần hòa giải, thậm chí sẵn sàng chia một phần đất cho cháu H. để sinh sống, nhưng nó nhất định không chịu, bảo đất được Nhà nước giao cho cha nó thì giờ toàn bộ là của nó. Nó thách cả họ đi kiện. Cực chẳng đã, tộc họ Hà mới cử chúng tôi đòi lại đất của dòng họ…”- ông B., một trong 3 đồng nguyên đơn, nói giữa lúc HĐXX tạm nghỉ.
Trưa. HĐXX nghỉ, hẹn chiều tuyên án. 3 ông già lục tục chở nhau đi bằng xe máy, ra ăn cơm bụi, vì: “Tiền là của cả họ góp vào để chúng tôi đi, đâu thể phung phí được”.
Chiều. HĐXX tuyên xử, cơ bản vẫn y án sơ thẩm.
Phiên tòa bế mạc đã lâu, bị đơn vẫn còn nán lại. Tôi hỏi ông H.: “Nếu ban đầu ông đồng ý với sự thương lượng của tộc họ, thì có sướng hơn không”. - “Thì cũng đã thỏa thuận xong rồi, tại còn vướng cái nhà vệ sinh đền bù ít nên tôi không chịu”.
Vị chủ tọa phiên tòa trầm ngâm: “Trải qua nhiều đời, thay đổi nhiều người quản lý nhà từ đường, tộc họ vẫn giữ được nơi chốn đi về cho con cháu. Sự việc này, nếu hai bên tự thỏa thuận được với nhau thì hay biết mấy ...”.
|