Tái lấn chiếm nhà, đất trong thi hành án dân sự:
“Chờ được vạ, má đã sưng”
23:14', 8/12/ 2012 (GMT+7)

Mặc dù đã được Tòa tuyên xử thắng kiện trong tranh chấp tài sản, và cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) cũng đã bàn giao tài sản, nhưng trong một số trường hợp, người được THA phải mỏi mòn, liên tục khiếu kiện bởi người phải THA đã tái chiếm lại khối tài sản đó. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì lúng túng trong xử lý.

Chiếm lại tài sản đã THA

Điển hình như vụ án giữa ông P.C.C. và ông L.M.C. (ở Quy Nhơn). Theo Bản án dân sự phúc thẩm số 163/DSPT ngày 23.12.2002 của TAND tỉnh thì: Vợ chồng ông P.C.C. phải trả cho ông L.M.C. số tiền trên 587 triệu đồng lãi suất nợ quá hạn do ngân hàng quy định. Cơ quan THADS Quy Nhơn đã ra quyết định THA theo yêu cầu của ông L.M.C. Vợ chồng ông P.C.C không tự nguyện THA nên Cơ quan THADS Quy Nhơn đã kê biên ngôi nhà của họ để đảm bảo THA. Ông L.M.C. là người đấu giá trúng, mua lại ngôi nhà trên, và đã nộp đủ tiền mua nhà cho cơ quan THA. Sau khi trừ mọi chi phí, thuế chuyển quyền sử dụng đất, cơ quan THADS đã chi trả lại cho ông L.M.C số tiền mà vợ chồng ông P.C.C còn nợ ông.

 
Một số hộ dân phường Đống Đa (Quy Nhơn) xây nhà trái phép trên đất lấn chiếm (Ảnh minh họa). Ảnh: VĂN LƯU

Ngày 15.3.2005, Cơ quan THADS Quy Nhơn đã tổ chức cưỡng chế đưa vợ chồng ông P.C.C. cùng tài sản ra khỏi nhà để giao nhà lại cho ông L.M.C. Ông L.M.C. ký biên bản và nhận nhà lúc buổi trưa, thì ngay chiều tối hôm đó vợ chồng ông P.C.C. đã chiếm lại nhà và ở cho đến nay. Ông L.M.C. đã liên tục gởi đơn nhiều nơi, song cho đến lúc ông chết vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Hiện, con của ông L.M.C. vẫn đang tiếp tục kế thừa “sự nghiệp đòi lại nhà” của cha mình.

Đơn cử thêm một trường hợp tương tự xảy ra tại huyện Hoài Nhơn. Bản án số 164/2008/DSPT ngày 12.9.2008 của TAND tỉnh đã tuyên buộc ông T.V.A., vợ chồng T.V.T., T.T.C. và các thành viên trong gia đình chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc sử dụng đất hợp pháp của hộ ông T.Đ.V. Ngày 5.11.2011, Cơ quan THADS huyện Hoài Nhơn đã tiến hành cưỡng chế, bảo vệ cho ông T.Đ.V. xây dựng tường rào ngăn phần đất của mình. Người được THA và người phải THA đã cùng ký vào biên bản trước sự chứng kiến của Hội đồng cưỡng chế. Tuy nhiên, ngay khi Hội đồng cưỡng chế ra về thì gia đình ông T.V.A. đã đập phá, xô ngã tường rào mà ông T.Đ.V vừa mới xây xong.

Có thể bị khởi tố

Theo hướng dẫn nghiệp vụ THA của Bộ Tư pháp về trường hợp đương sự tái chiếm tài sản sau khi cơ quan THA đã thực hiện xong việc giao tài sản thì: Về nguyên tắc, cơ quan THA không có trách nhiệm cưỡng chế để giao lại tài sản cho người được THA khi đã thực hiện xong việc cưỡng chế giao tài sản (được thể hiện: Tài sản được giao trên thực tế cho người được THA; người được THA đã ký nhận vào biên bản giao tài sản; Hội đồng cưỡng chế không còn tại nơi cưỡng chế THA). Trong trường hợp bị tái chiếm, nếu người được THA khiếu nại thì cơ quan THA giải thích và hướng dẫn đương sự đề nghị UBND hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác xem xét giải quyết.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng Phòng Kiểm sát THADS, Viện KSND tỉnh, nhận xét: “Một số quy định của Luật Thi hành án dân sự chưa quy định cụ thể rõ ràng, dẫn đến người thực thi pháp luật chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình, sợ trách nhiệm. Điều này dẫn đến một thực tế là có những vụ việc dù đã THA xong, nhưng lại chẳng khác nào “đem con bỏ chợ” vì  quyền lợi của người được THA đã không được bảo vệ đến cùng. Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng các bản án, quyết định của Tòa án tuy đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại không được thực thi, mà còn dẫn đến tình trạng người được THA khiếu kiện vượt cấp, kéo dài…”.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, theo hướng dẫn của Viện KSND Tối  cao thì tùy từng trường hợp tái lấn chiếm cụ thể để xử lý. Chẳng hạn, trường hợp người phải THA đã đồng ý ký vào biên bản giao nhận nhà và các thủ tục THA đã được cơ quan THADS thực hiện xong, nhưng sau đó tái lấn chiếm nhà và tiếp tục ở, có thể bị xem xét khởi tố về tội “Xâm phạm chỗ ở của công dân” theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp là hành vi nhổ cột mốc, phá vỡ tường rào của những khu đất đã có chủ quyền, thì bị xử lý hành chính hoặc nếu tài sản bị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên và thỏa mãn các yếu tố khác quy định tại khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Hình sự, có thể bị khởi tố về tội “Hủy hoại tài sản” hoặc “Cố ý làm hỏng tài sản”.

  • THU HÀ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
2 vụ tai nạn giao thông, 3 người chết  (08/12/2012)
Cập nhật Nghị định 71 cho phạm nhân  (08/12/2012)
Tông mô tô kiểm lâm để chạy trốn  (08/12/2012)
Phát huy sức mạnh toàn dân phòng chống tội phạm  (08/12/2012)
Không chấp hành hiệu lệnh, cản trở người thi hành công vụ  (06/12/2012)
Bắt kẻ trộm đêm   (06/12/2012)
Người dân bắt trộm   (06/12/2012)
Thu giữ thuốc lá nhập lậu  (06/12/2012)
Ngày 15.12, sẽ tiến hành xử lí các hộ dân lấn chiếm mặt nước đầm Thị Nại  (05/12/2012)
Ðến tận nhà dân để lừa đảo   (05/12/2012)
Bắt kẻ hiếp dâm trẻ em  (05/12/2012)
Nổ khí gas trong KCN, 37 người nhập viện cấp cứu  (05/12/2012)
Bệnh nhân bị móc túi  (04/12/2012)
Trộm cả con dấu   (04/12/2012)
Đánh người gây thương tích, bị phạt 12 tháng tù giam  (04/12/2012)