Xét xử lưu động được coi là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Nên việc mở phiên tòa xét xử lưu động tại các địa phương, nơi xảy ra trọng án là một biện pháp để không chỉ bị cáo mà cả nhiều người dân hiểu rõ ràng bản chất sự việc, cũng như tính nguy hiểm do hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng mới đây một Chủ tịch UBND phường đã từ chối phối hợp với TAND tỉnh tổ chức một phiên tòa lưu động trên địa bàn phường (!).
|
Việc mở phiên tòa xét xử lưu động tại các địa phương, nơi xảy ra trọng án là một biện pháp để không chỉ bị cáo mà cả nhiều người dân hiểu rõ ràng bản chất sự việc, cũng như tính nguy hiểm do hành vi vi phạm pháp luật.
- Trong ảnh: Một phiên tòa lưu động tổ chức ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước được nhân dân đến theo dõi rất đông.
|
Trong khoảng 20 ngày, từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8.2012 trên địa bàn phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn liên tiếp xảy ra 3 vụ giết người, làm 3 người thiệt mạng, 2 người khác bị thương. Trước thực trạng đó, TAND tỉnh Bình Định lên kế hoạch mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án Võ Ngọc Chính, phạm tội “giết người”, với tình tiết “có tính chất côn đồ”, xảy ra ngày 15.8.2012, dự định sẽ tổ chức vào ngày 21.12, nhưng bất thành; bởi sự từ chối của người đứng đầu UBND phường Nhơn Bình.
Theo thẩm phán Hồ Khá - Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh, sáng 11.12, Tòa hình sự cử cán bộ đến phường Nhơn Bình khảo sát, chọn địa điểm và đề nghị UBND phường Nhơn Bình phối hợp để tổ chức phiên tòa lưu động. Thật bất ngờ, đề nghị này đã bị ông Trần Duy Thứ, Chủ tịch UBND phường, phản ứng. Lúc đầu lấy lý do Tòa Hình sự không đăng ký trước, nên mặc dù có mặt tại trụ sở UBND phường nhưng ông không chịu tiếp. Sau đó, khi đã chịu gặp mặt tổ công tác, ông Thứ đã nêu ra nhiều lý do để từ chối thẳng việc Tòa án tỉnh mở phiên tòa xét xử vụ án nói trên tại phường Nhơn Bình.
Thẩm phán Hồ Khá cho biết: Tính hiệu quả qua các phiên tòa lưu động được thấy rõ bởi nhiều lý do. Đó là, bị cáo phần lớn là người của địa phương nên trước bà con lối xóm, thái độ của bị cáo tỏ rõ sự ăn năn hối cải và thấy rõ hơn trách nhiệm cũng như lỗi của mình. Thông qua việc xét xử bị cáo, phiên tòa có thể giáo dục chung đến tất cả mọi người, cảnh tỉnh những ai đang có ý định phạm tội và làm cho mọi người hiểu hơn về tính chất, mức độ hành vi phạm tội…
Tại kỳ họp Quốc hội và HĐND tỉnh vừa qua, nội dung tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật được đề cập, thể hiện ý nguyện của nhân dân là mọi người ngày càng hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã và đang được các cấp, các ngành chức năng tăng cường bám sát cơ sở để thực hiện nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Việc không hưởng ứng, tạo điều kiện để Tòa án tỉnh mở phiên tòa lưu động, nhằm tăng cường giáo dục pháp luật tại địa phương của Chủ tịch phường Trần Duy Thứ là điều khó hiểu.
|