Xác định đúng vai trò của từng bị cáo trong án hình sự góp phần vào việc kết án đúng người, đúng tội, tránh tình trạng bị hủy án, hoặc bị cải sửa án. Thời gian qua, một số vụ án được xét xử ở cấp sơ thẩm đã xác định không đúng vai trò của bị cáo, đã bị Viện KSND tỉnh kháng nghị.
Xác định không đúng vai trò bị cáo
Tôn Văn B và Tôn Văn A là hai anh em ruột. Ngày 13.6.2011, khi ăn giỗ tại nhà cha mình, A cãi nhau với một số người và bỏ ra về, trên đường đi gặp Nguyễn Hồng Vinh, hai bên lời qua tiếng lại. Nghĩ Vinh hỗn láo, A chửi Vinh, sau đó cầm cây tìm đánh Vinh. Thấy vậy, B cũng về nhà lấy 2 tuýp sắt chạy đến. Thấy A và B cầm cây, Vinh bỏ chạy nhưng bị vấp ngã. A chạy tới ngồi trên bụng Vinh, đánh nhiều cái vào mặt Vinh; B dùng tuýp sắt đánh vào người Vinh. Sau khi A và B bỏ đi, Vinh ngồi dậy nhặt cây xà beng định đánh lại, thì A đỡ và xô Vinh ngã xuống, B chạy tới dùng tuýp sắt đánh vào mắt trái của Vinh. Kết quả giám định cho thấy mắt của Vinh bị tổn hại nặng (tỉ lệ thương tật 51%). TAND thị xã An Nhơn tuyên phạt A và B mỗi bị cáo 2 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo Viện KSND tỉnh, án sơ thẩm nhận định người trực tiếp gây thương tích cho bị hại là B, A chỉ là người đóng vai trò giúp sức, song lại tuyên phạt hai bị cáo chịu mức án ngang nhau là đánh giá không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội bị cáo gây ra; xác định không đúng vai trò của các bị cáo trong vụ án, nên mức án Tòa tuyên phạt B là quá nhẹ, thiếu nghiêm khắc.
Vì vậy, Viện KSND tỉnh kháng nghị Giám đốc thẩm, đề nghị hủy phần hình phạt của bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật đối với B, để cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo B và đã được TAND tỉnh chấp nhận kháng nghị.
Xác định bồi thường thiệt hại chưa đúng
Do có mâu thuẫn từ trước, nên sáng ngày 3.5.2011, Nguyễn Thành Được đánh Huỳnh Trọng; Huy (bạn của Được) dùng vỏ chai bia đập vào đầu Trọng. Trọng vùng bỏ chạy về nhà lấy một con dao Thái Lan và rủ thêm Nguyễn Thành Phú đi tìm Được để trả thù. Đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh (TP Quy Nhơn), phát hiện thấy Được đi trên đường, Phú ép xe Được, để Trọng ngồi sau lấy dao chém Được. Khi Được bỏ xe chạy bộ thì Trọng đuổi theo, đâm nhiều nhát khiến Được bị thương nặng, tỉ lệ thương tật là 40%.
TAND TP Quy Nhơn xác định trong vụ án này Trọng là chủ mưu, vừa là người thực hiện hành vi phạm tội, gây ra thương tích cho nạn nhân; bị cáo Phú chỉ là người bị lôi kéo, rủ rê và giữ vai trò đồng phạm giúp sức. Tòa tuyên phạt Trọng 5 năm tù, Phú 4 năm tù và buộc hai bị cáo bồi thường cho Được số tiền gần 71 triệu đồng, chia đều mỗi người trên 35 triệu đồng.
Theo Viện KSND tỉnh, cấp sơ thẩm có vi phạm trong việc xác định bồi thường thiệt hại do nhiều người gây ra theo Điều 616 Bộ Luật dân sự. Điều này quy định: Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Từ những vụ án đã bị kháng nghị trên cho thấy, những người cầm cân nảy mực cần nghiên cứu, vận dụng đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật cả về hình sự lẫn dân sự để ra một bản án chính xác, đồng thời cũng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, tránh việc án sơ thẩm bị cải sửa hoặc bị hủy dẫn đến việc kéo dài vụ án.
|