Hòa giải ở cơ sở:
Cách làm hiệu quả của An Vinh
18:59', 26/12/ 2012 (GMT+7)

Trước đây, xã An Vinh, huyện An Lão là địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại so với các xã khác, nhất là về vấn đề giao đất trồng rừng. Trước tình hình trên, Ban hòa giải của xã, thôn đã họp bàn biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho cán bộ và nhân dân, phối hợp mở các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ về công tác hòa giải cho cán bộ xã, thôn. Công tác hòa giải được thực hiện trên cơ sở thuyết phục, vận động là chủ yếu, kết hợp với việc xem xét xử lý các vụ việc nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Nhờ  đó, tình trạng đơn thư vượt cấp ở An Vinh đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.

 

Tổ hòa giải thôn 5, xã Canh Vinh đến tận nhà người dân để tư vấn, hòa giải, đồng thời tranh thủ tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật cho bà con biết và tuân thủ.

Góp một phần không nhỏ cho công tác hòa giải là những người có uy tín, già làng. Già làng Đinh Văn Bùi ở thôn 2 là một điển hình. Năm nay đã 86 tuổi nhưng già Bùi vẫn minh mẫn, nhiệt tình tham gia các hoạt động hòa giải, hướng dẫn các quy định của pháp luật cho bà con trong thôn. Những trường hợp mâu thuẫn do vợ chồng hay xảy ra cãi vã, con cái không nghe lời cha mẹ…, ông đều lựa lời phân tích hơn thiệt, đúng sai để mọi người hiểu. Như trường hợp của vợ chồng anh Phạm Văn Hữu và chị Đinh Thị Thoa, thường xảy ra mâu thuẫn do người chồng hay rượu chè, không chí thú làm ăn, làm cho gia đình đã khó khăn lại càng thêm túng bấn. Thông qua những lần kiểm điểm khi sinh hoạt thôn, những lần nói chuyên riêng, già Bùi đã dần cảm hóa được Hữu. Anh Hữu chia sẻ: “Nhờ có già Bùi mà vợ chồng mình hòa thuận lại rồi, chăm làm nên bây giờ gia đình cũng đủ ăn và khá dần”.

Xã An Vinh có 7 tổ hòa giải (ở 7 thôn), song lực lượng nòng cốt chỉ có 5 hòa giải viên, lại làm công tác kiêm nhiệm, nên để đảm bảo công việc, tổ hòa giải đã chủ động kết hợp với các già làng, người có uy tín, người đứng đầu trong dòng tộc, trong thôn để tập hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi người. Ngoài các buổi họp thôn để tuyên truyền các văn bản pháp luật quan trọng như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ rừng…, công tác phổ biến pháp luật cho bà con cũng được các cán bộ chuyên trách linh động thực hiện thông qua các buổi làm rẫy, tranh thủ phát tờ rơi, nói ngắn gọn những quy định phải làm và không được làm. Qua đó, ý thức của bà con cũng được nâng lên đáng kể. Chẳng hạn như hai gia đình hàng xóm xảy ra mâu thuẫn, tổ hòa giải sẽ trực tiếp đến nhà mời hai bên cùng ngồi lại để phân tích thiệt hơn rồi đưa rượu để hai bên uống và bắt tay làm hòa, bởi “đã cùng nhau uống rượu thì không được mâu thuẫn nữa”.

Ông Đinh Văn Nem, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Vinh, cho biết: “Với vai trò là trưởng ban hòa giải, chúng tôi luôn chú trọng công tác cơ sở để từ đó có những cách làm riêng, phù hợp với tập quán của đồng bào nhằm đạt kết quả tuyên truyền pháp luật tốt nhất, từ đó đảm bảo được mối đoàn kết gắn bó trong nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư”.

  • NHẬT LINH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ khắc phục “điểm đen” TNGT tại ngã ba Hoài Tân  (26/12/2012)
Nhiều phụ huynh “quên” sự an toàn của con trẻ  (25/12/2012)
Người dân đang chịu nhiều thiệt hại  (25/12/2012)
Bị cáo Bình trước vành móng ngựa.  (24/12/2012)
Cùng đồng đội lập công xuất sắc  (24/12/2012)
Tuyên truyền tốt, xử lý nghiêm, lấy giáo dục làm trọng  (24/12/2012)
Ðưa con đi đầu thú  (24/12/2012)
Tự tử trong buồng ngủ  (24/12/2012)
Tai nạn giao thông nghiêm trọng  (24/12/2012)
Mạo danh người khác để nhận đất tái định cư  (24/12/2012)
Lẩn trốn 18 năm, vẫn không thoát   (24/12/2012)
Giáng sinh, năm mới an lành  (22/12/2012)
Kẻ chuyên trộm cắp tại KCN Phú Tài sa lưới  (22/12/2012)
Phước Thắng: Xã tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc  (22/12/2012)
Cảnh giác nạn trấn lột, lừa đảo tài sản ở Hoài Nhơn  (22/12/2012)