Ở tỉnh ta, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Thực trạng trẻ em tử vong do đuối nước tăng nhanh trong thời gian qua đòi hỏi cả cộng đồng phải cùng tích cực chung tay vào cuộc khắc phục.
Từ năm 2009 đến nay, số lượng trẻ em tử vong do đuối nước chiếm tỉ lệ cao nhất (trên 50%) trong tổng số trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Năm 2009, có 14 trẻ tử vong do đuối nước; năm 2010 tăng lên 27 em; năm 2011 có đến 40 em; riêng trong 10 tháng đầu năm 2012 đã có 35 em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là do nhận thức và hiểu biết chung về tai nạn đuối nước ở trẻ em còn thấp, thiếu sự quan tâm đầy đủ của người lớn, trẻ không biết bơi, môi trường sống không an toàn…
“Điểm nóng” Hoài Ân
Gần 5 tháng đã trôi qua, nhưng chị Nguyễn Thị Trinh vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn khi nhắc lại cái ngày chị mất cùng lúc 3 đứa con. Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị ở đội 1, thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, như oằn mình trước nỗi đau quá lớn. 2 sào ruộng không đủ cho 6 miệng ăn, vợ chồng chị Trinh phải làm thuê khắp nơi, không có điều kiện chăm con chu đáo. Một buổi chiều đầu tháng 7, 4 đứa con của chị cùng nhau ra gần các ao nước ở xóm Nghĩa Trí chơi, để rồi 3 em phải bỏ mạng tại đây, bé lớn nhất cũng chỉ 6 tuổi, bé nhỏ nhất mới 2 tuổi.
|
Chị Nguyễn Thị Trinh bên bàn thờ con. |
Tai nạn khủng khiếp ấy đã xảy ra khá lâu, nhưng không chỉ gia đình chị Trinh mà cả người dân thôn Kim Sơn nói chung vẫn chưa nguôi cơn đau. Bởi, những cái ao nằm giữa khu dân cư vẫn chưa được san lấp. Ông Phó Văn Thanh, người dân xóm Nghĩa Trí, đưa tôi ra xem nơi xảy ra tai nạn. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền, nhưng mấy xe cát thì làm sao lấp đầy những cái ao tổ chảng này. Còn mấy cái ao này ngày nào là ngày đó người dân chúng tôi chưa yên”, ông Thanh bức xúc.
Trong khi vụ 3 trẻ chết đuối chưa nguôi, người dân thôn Kim Sơn lại thêm choáng váng với một tai nạn đuối nước thảm khốc hơn. Tại khu vực Vực Quánh trên dòng Kim Sơn, cách mấy cái ao ở xóm Nghĩa Trí chỉ vài trăm mét, trong lúc tắm sông vào trưa 9.11, 5 học sinh lớp 9 của Trường THCS Ân Tường Tây (xã Ân Tường Tây) cùng bị chết đuối. Thầy Nguyễn Văn Ý, Quyền Hiệu trưởng Trường THCS Ân Tường Tây, cho hay: “Cho đến nay, vụ đuối nước làm 5 học sinh của trường tử vong không chỉ để lại nỗi đau khôn cùng cho gia đình các em, mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý chung của học sinh trong trường”.
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, năm 2012, Hoài Ân có 10 trẻ em tử vong do đuối nước, thật sự là một “điểm nóng”. “Từ thực trạng đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân đã đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa đuối nước. Phòng đã tăng cường truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về cách phòng, tránh những tai nạn đuối nước. Trong năm 2012, Phòng đã tổ chức trao tặng 300 cặp phao cho các em học sinh tiểu học”, chị Lê Thị Ái Nương, cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, cho biết.
Cùng chung tay
Trước thực trạng trẻ em tử vong do đuối nước ngày càng tăng nhanh, Kế hoạch Phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Bình Định giai đoạn 2013-2015 đã được ban hành. Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, phân tích: “Một trong những giải pháp quan trọng thực hiện Kế hoạch này là tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể liên quan trong xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú trọng đến vùng khó khăn. Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ trì triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước ở trẻ em; tổ chức triển khai kế hoạch đánh giá Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; phối hợp với các cơ quan đoàn thể khác triển khai các hoạt động dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng vào dịp hè…”.
Theo chị Đào Thị Kim Định, Trưởng ban Trường học, Tỉnh đoàn, để góp phần hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, ngành liên quan tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó nhấn mạnh phòng chống đuối nước trẻ em trên các bảng tin, các buổi sinh hoạt của Đoàn, Đội. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng sẽ chú trọng đến hoạt động dạy bơi gắn với mô hình giáo dục kĩ năng cho trẻ em như học kì quân đội, trại hè xanh…
Tuy nhiên, để công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đạt hiệu quả cao nhất, nhà trường và gia đình phải thật sự “bắt tay” vào cuộc. Thầy Nguyễn Văn Ý cho biết: “Từ sau xảy ra vụ việc, chúng tôi giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ hơn với phụ huynh học sinh. Trường tiến hành thu thập thông tin từ người dân sống gần các khu vực lòng sông nguy hiểm để nắm số học sinh hay đến chơi đùa, báo ngay cho gia đình để ngăn chặn kịp thời. Đầu mỗi buổi học, lớp trưởng báo ngay số học sinh vắng không phép, giáo viên chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu sẽ liên lạc với gia đình để tìm hiểu nguyên nhân, phòng ngừa trường hợp học sinh tụ tập đi tắm sông”.
|